Nếu biết lái ôtô, hãy ít nhất một lần cầm lái ở các cung đường đèo để cảm nhận được lý do vì sao lại có quy định này.
Qua một khảo sát trắc nghiệm với câu hỏi "Đường đèo dốc, xe nào phải nhường" trên VnExpress, đã có 31% số người chọn "xe đi lên" phải nhường là những người chưa có bằng lái, hoặc có rồi nhưng học lý thuyết theo dạng học vẹt. Bởi lẽ, đây chính là một trong 600 câu (trước đây là 450 câu) trong bộ đề ôn thi lý thuyết.
Câu trả lời đúng trong trường hợp này đó là "Xe đi xuống" phải nhường. Thật may là vẫn có 69% số độc giả trả lời đúng. Vậy lý do vì sao? Vì khi lên dốc, bạn phải chuẩn bị nhiều đà hơn, xe sẽ phải làm việc gắng sức hơn, tài xế cũng phải tập trung cao độ hơn. Nhất là với những xe chở nặng, nếu chẳng may gặp chướng ngại vật phải dừng lại giữa dốc thì việc đề-pa lại để chạy tiếp là cả một sự cố gắng.
Ngược lại, với xe xuống dốc, việc quan trọng nhất là bạn phải đi chậm, điều này có thể dễ dàng làm được nhờ vào phanh hay hộp số. Và nếu chẳng may gặp chướng ngại vật phải dừng lại thì bạn cũng không cần phải làm gì vất vả cả, chỉ cần phanh, rồi thả phanh để xe chạy tiếp. Đây là lý do vì sao có bài thi thực hành khởi hành ngang dốc, chứ không phải khởi hành khi đang xuống dốc.
Nếu trên góc độ luật, điều này được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ 2008. Bên cạnh đó, nghị định 100/2019 nêu rõ nếu tài xế ôtô tránh xe sai quy định sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng.
Hy vọng 31% độc giả đã chọn "xe đi lên" phải nhường có đọc bài này, để hiểu rõ hơn về luật. Điều quan trọng khi học luật không phải là thuộc, mà là hiểu vì sao luật viết như vậy, để chủ động lái xe đúng luật và an toàn cho mình cùng người khác.
VNE