Mẫu sedan cỡ C thế hệ đầu tiên của Toyota giới thiệu năm 1966, trải qua 55 năm, Corolla bán ra trên 50 triệu chiếc toàn thế giới.
Ở thế hệ thứ 12 hiện tại, Corolla (Altis tại Việt Nam) trở thành mẫu xe bán nhiều nhất mọi thời đại. Trong khi đó, Volkswagen bán được 21 triệu chiếc Beetle nguyên bản, doanh số sau đó tăng lên 23 triệu chiếc nếu tính cả New Beetle và những mẫu tiếp theo của Beetle, theo Businessinsider. Một thương hiệu xe hơi Mỹ với mẫu Model T bán chạy của mình cũng chỉ với 16,5 triệu chiếc.
Chiếc Corolla đầu tiên đặt chân đến thị trường Mỹ năm 1969. Thời đó, mẫu xe cỡ C của Toyota có giá 1.700 USD, trong khi thu nhập bình quân của các hộ gia đình Mỹ vào khoảng 7.700 USD mỗi năm. Hiện nay, giá mỗi chiếc Toyota Corolla ở Mỹ từ 20.100 USD.
Thế hệ thứ nhất: 1969-1970
Corolla thế hệ đầu tiên trang bị động cơ 4 xi-lanh, dung tích 1.077 phân khối, công suất 60 mã lực (hoặc 51 mã lực nếu đo theo tiêu chuẩn ngày nay) và mất khoảng 17 giây để đạt tốc độ 96 km/h. Xe tồn tại cho đến năm 1971 và thay thế bằng thế hệ tiếp theo.
Thế hệ thứ hai: 1971-1974
Doanh số bán hàng của Corolla thế hệ hai tăng vọt vào cuối năm 1973, lệnh cấm vận dầu mỏ làm cho mẫu xe cỡ B tiết kiệm nhiên liệu của Toyota trở nên phổ biến với người Mỹ. Corolla thế hệ hai dài hơn về kích thước so với thế hệ thứ nhất, xe có công suất 73 mã lực, đi kèm hộp số tự động hai cấp.
Năm 1972, hãng xe Nhật Bản giới thiệu mẫu Corolla SR-5 Coupe, với công suất 88 mã lực nhờ động cơ 1,6 lít và số sàn 5 cấp. Ở ngay thế hệ thứ hai, Corolla đã trở thành mẫu xe bán chạy thứ hai mọi thời đại.
Thế hệ thứ ba: 1975-1979
Corolla thế hệ ba ra đời năm 1975, đi kèm với các tùy chọn động cơ gồm: 1,2 lít, 1,3 lít và 1,6 lít. Năm 1976, mẫu xe cỡ C của Toyota có thêm các bản Coupe và Liftback, bổ sung thêm khoảng không cho hàng ghế sau.
Thế hệ thứ tư: 1980-1984
Ở thế hệ thứ tư, thiết kế của Corolla góc cạnh hơn, rộng rãi hơn và yên tĩnh hơn so với các thế hệ trước. Công suất cũng chỉ bắt đầu ở 75 mã lực với động cơ 1,8 lít.
Thế hệ thứ năm: 1985-1988
Năm 1985, Corolla thế hệ thứ năm ra đời, lần đầu tiên trang bị dẫn động cầu trước. Ngoài ra còn có thêm các phiên bản AE86 dẫn động cầu sau theo phong cách coupe hoặc hatchback và trở thành những huyền thoại drift.
Thế hệ thứ sáu: 1989-1992
Từ thế hệ thứ 6, Corolla từ bỏ tùy chọn dẫn động cầu sau và chỉ trang bị động cơ cam kép 16 van. Ngoài ra, hãng xe Nhật Bản bổ sung hệ thống treo độc lập và bản Corolla All-Trac dẫn động 4 bánh. Bản cao cấp nhất GT-S trang bị đèn pha bật lên và động cơ 4A-GE công suất 135 mã lực.
Thế hệ thứ bảy: 1993-1997
Corolla thế thệ thứ bảy loại bỏ tất cả các kiểu dáng thân xe thô kệch, chỉ chọn kiểu dáng sedan và wagon, kèm hai bản động cơ DOHC 1.6 và 1.8. Kiểu dáng to hơn hẳn những thế hệ trước và từ đó mang lại danh hiệu xe bán chạy nhất mọi thời đại.
Thế hệ thứ tám: 1998-2002
Từ thế hệ thứ tám, Toyota Corolla có thêm túi khí bên, trong khi động cơ 1.8 bằng nhôm với điều khiển van biến thiên ra đời, tạo ra công suất 120 mã lực.
Thế hệ thứ chín: 2003-2008
Corolla thế hệ thứ chín mới có kích thước lớn hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Bản XRS tạo ra công suất 164 mã lực từ động cơ 1.8 kết hợp số sàn 6 cấp.
Thế hệ thứ 10: 2009-2013
Từ thế hệ thứ 10, Corolla giới thiệu công nghệ mới như kết nối Bluetooth, iPod và vô-lăng tích hợp các nút bấm điều khiển. Bản XRS trang bị động cơ 2.4 lấy từ Camry.
Thế hệ thứ 11: 2014-2018
Corolla thế hệ thứ 11 giới thiệu công nghệ an toàn tiên tiến mới như phanh khẩn cấp tự động, phát hiện người đi bộ, cảnh báo chệch làn đường và hỗ trợ lái.
Thế hệ thứ 12: 2019-nay
Ở thế hệ thứ 12, mẫu hatchback quay trở lại và XRS trang bị động cơ 2.0 công suất 169 mã lực. Từ cái tên Corolla, Toyota phát triển thêm mẫu crossover đầu tiên mang tên Corolla Cross, thừa kế di sản của mẫu xe doanh số bán hàng khổng lồ. Tháng 7 năm 2021, Corolla đánh dấu mốc mới với chiếc thứ 50 triệu xuất xưởng.
VNE