Nhiều lái xe hiện nay thường xuyên dùng nước lã để thay nước làm mát chuyên dụng, đồng thời ít khi kiểm tra hệ thống làm mát. Hậu quả là xe có thể nằm đường, hỏng nặng và tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để sửa chữa.
Xe KIA Morning nằm đường vì hết nước mát
Cuối tuần vừa qua, anh Đỗ Minh D. ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã gặp phải một phen "khóc dở mếu dở" với chiếc KIA Morning Van đời 2014 của mình. Nguyên nhân chỉ đơn giản là xe bị hết nước làm mát.
Chia sẻ với VietNamNet, anh D. cho biết, khi đang đi trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thì bất ngờ kim trên đồng hồ nhiệt độ trên táp lô tăng nhanh đến vạch đỏ (H). Chiếc xe bị ngắt điều hoà, đồng thời có hiện tượng máy rất yếu, rung giật, rồi chết máy. Sau đó, anh cố khởi động lại nhưng cũng chỉ đi được một đoạn ngắn rồi xe lại tiếp tục bị lịm đi, bất lực, anh đành đẩy gọn vào lề đường để tìm cách xử lý.
“Tôi mở khoang máy kiểm tra thấy có mùi khét, bình nước phụ khô khốc bốc cả khói lên. Phải đợi xe nguội tự nhiên khoảng 30 phút tôi mới dám châm thêm nước lọc để làm mát nhưng phát hiện ra nước bị rò rỉ qua một vết nứt ở đường ống. Dù lấy dây chun buộc vào nhưng xe cũng không đi được vì máy đã bị bó rồi. Hết cách, tôi đành gọi cứu hộ đến cẩu đi, loanh quanh mất đến 2 giờ đồng hồ”, anh D. kể lại.
Đưa xe về một gara quen tại Hà Nội, sau khi thợ máy kiểm tra khá kỹ, anh D. được thông báo chiếc KIA Morning của mình đã bị quá nhiệt và thổi gioăng mặt máy, đồng thời buộc phải thay thế nhiều bộ phận bị hư hỏng với tổng chi phí sửa chữa, khắc phục vào khoảng hơn 7 triệu đồng.
Nguyên nhân được phía gara cho là từ việc anh D. thường xuyên sử dụng nước lã để làm mát, dẫn đến việc đóng cặn và khiến hệ thống bơm nước, dây dẫn nhanh xuống cấp, hư hỏng.
"Thú thực là từ khi mua xe, tôi rất ít khi để ý đến hệ thống nước làm mát và chưa từng kiểm tra, thay thế các loại dây dẫn này. Còn nước làm mát thì hầu hết là đổ nước lã vào dùng thôi. Một lần nằm đường mà cả chi phí sửa chữa lẫn cẩu kéo cho chiếc xe cỏ tốn đến gần chục triệu đồng. Đúng là nhớ đời!", anh D. chia sẻ.
Soi hệ thống làm mát thường xuyên để yên tâm đi xa
Trên thực tế, việc ô tô gặp trục trặc khi đang di chuyển, thậm chí gây ra hỏng hóc nặng do bị cạn nước làm mát như trường hợp của anh D. kể trên không phải hiếm gặp, đặc biệt là ở những dòng xe cũ đã sử dụng trên 10 năm.
Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư Trần Duy Dũng - Giám đốc kỹ thuật Gara ô tô TYD Học viện Kỹ thuật Quân sự (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, việc xe ô tô phải nằm đường do nguyên nhân hết nước làm mát là khá phổ biến. Gara của anh cũng thường xuyên tiếp nhận những trường hợp xe ô tô hết nước làm mát mà chủ xe không hay biết.
"Hệ thống nước làm mát có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc vận hành của ô tô. Đây là loại nước chuyên dụng có tính chất đặc biệt, được lưu thông trong một hệ thống tuần hoàn kín, rất ít hao hụt kể cả xe sử dụng vài năm. Nhưng nếu bị hao nhanh thì rất có thể chiếc xe đang gặp vấn đề mà chủ xe không nên chủ quan", anh Dũng nói.
Từ việc hết nước mát, vị kỹ sư này cho rằng, nếu không được khắc phục đúng cách, dễ dẫn đến những hỏng hóc khác như bó máy, gãy piston, kẹt bó phanh, thổi gioăng mặt máy,… Chi phí khắc phục, sửa chữa rất lớn, có thể lên đến vài chục triệu đồng. Nguy hiểm hơn, xe bị quá nhiệt có thể dẫn tới cháy nổ..., gây ra rất nhiều phiền phức và mất an toàn cho chủ xe.
Theo vị chuyên gia này, có rất nhiều nguyên nhân khiến nước làm mát bị hao hụt, phổ biến nhất là nước làm mát rò rỉ qua các đường ống dẫn bị nứt, chuột cắn hay tại vị trí các khúc nối cổ xiết không chặt. Một nguyên nhân khác là do các nút bịt trên động cơ (lỗ đồng tiền) lâu ngày và bị ăn mòn khiến nước làm mát hao hụt.
Việc hao hụt nước làm mát còn có thể đến từ việc nắp bình nước phụ bị hở khiến nước bay hơi. Ngoài ra, các thanh tản nhiệt trong két chứa nước làm việc trong thời gian dài dễ bị hỏng, thủng cũng dẫn đến việc hao nước,...
Để hạn chế tối đa việc hao nước làm mát, dẫn đến những hư hỏng của xe, kỹ sư Trần Duy Dũng khuyên rằng, người sử dụng xe nên thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra mực nước làm mát, phát hiện và xử lý kịp thời khi hao hụt xảy ra để bảo vệ chiếc xe cũng như túi tiền của mình.
Bên cạnh đó, chỉ nên đổ nước làm mát chuyên dụng, hạn chế đổ nước lã bởi loại nước này dễ đóng cặn, gây oxy hoá và làm giảm tuổi thọ của hệ thống làm mát ô tô.
Trong trường hợp đang đi đường và phát hiện kim báo nhiệt độ động cơ nhích lên mức bất thường, tài xế cần dừng xe, tắt máy và mở nắp capo để giải nhiệt cho động cơ. Bằng mắt thường, kiểm tra nguyên nhân do quạt làm mát hỏng hay do bị rò rỉ nước, và nếu rò rỉ thì ở vị trí nào. Lưu ý, ngay lúc này, người dùng không được mở nắp két nước hay đổ nước lạnh vì có thể gây mất an toàn.
"Nếu không phát hiện ra sự rò rỉ, có thể để xe nguội trong khoảng 20-30 phút mới châm thêm nước mát rồi vừa đi vừa nghỉ, tắt điều hoà và nếu kim nhiệt vẫn tăng cao thì không nên đi tiếp. Lúc này, hãy gọi ngay cho một gara uy tín và thân quen để được hỗ trợ. Không nên tự ý xử lý hoặc nổ máy đi cố vì có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng", kỹ sư Trần Duy Dũng đưa ra lời khuyên.
Theo vietnamnet.vn