Phân chim và nhựa cây là hai tác nhân gây hại sơn xe thường gặp khi xe đỗ dưới bóng râm của cây.
Mỗi khi chờ đón con đi học về, Hoàng Tùng hay đỗ xe dưới gốc cây để tận dụng bóng mát. Mới đây khi rửa xe, Tùng mới phát hiện phân chim, nhựa cây đã sạch, nhưng những dấu vết lưu lại rất rõ ràng. Lớp sơn xe của anh này trở nên loang lổ. Kỹ thuật viên nói nếu được rửa sớm khi mới dính chất thải, có thể cứu được lớp sơn.
Cách giải quyết được cửa hàng rửa xe đưa ra là mua thêm dịch vụ đánh bóng và hiệu chỉnh màu sơn bề mặt, giá 2 triệu đồng.
Phân chim chứa một lượng lớn axit uric, có tính ăn mòn cao. Khi tiếp xúc với lớp sơn trên thân xe, axit trong phân chim có thể thâm nhập sâu vào các lớp sơn bóng, sơn chính, sơn nền. Nếu để phân chim trên bề mặt thân xe trong thời gian dài, phần tiếp xúc với phân có thể mất độ bóng và màu sắc bị thay đổi so với màu gốc.
Mặt khác, nhựa cây có thể gây tổn hại bề mặt sơn vì tính chất kết dính của nó. Dennis Taljan, tổng giám đốc công ty sản xuất sơn ôtô PPG, chia sẻ với Consumer Reports rằng nhựa cây có thể chảy ra hoặc co lại tùy theo nhiệt độ môi trường, việc này xảy ra liên tiếp sẽ khiến lớp sơn của xe (đang dính chặt vào nhựa cây) yếu dần, và gây ra tình trạng bong, tróc sơn nếu không được xử lý kịp thời.
Khi phương tiện bị dính phân chim hay nhựa cây trên bề mặt sơn, chủ xe nên xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, các chất bẩn sẽ "ăn" vào bề mặt sơn, gây ra những tổn hại khó có thể xử lý về sau. Lưu ý không nên dùng khăn để lau trực tiếp vào vết phân chim hoặc nhựa cây đã khô, vì việc làm này có thể khiến tróc những lớp trơn ở thân xe.
Cách xử lý đơn giản nhất là dùng nước ấm để làm mềm chất bẩn, sau đó vệ sinh chỗ bẩn bằng dung dịch rửa xe chuyên dụng. Dùng chai xịt nước lên vết bẩn hoặc phủ vết bẩn bằng khăn đã thấm sũng nước. Nếu không có những dụng cụ này, hay dùng khăn ướt và nước đóng chai để làm mềm vết bẩn. Sau khoảng 15 phút, dùng một chiếc khăn vi sợi sạch, ẩm để vệ sinh vết bẩn bằng dung dịch rửa xe chuyên dụng. Nếu vết bẩn cứng đầu, chủ xe có thể dùng nước nóng để làm mềm hiệu quả hơn.
Sau khi vệ sinh xong, chủ xe có thể dùng đất sét tẩy bụi sơn chuyên dụng để làm sạch sâu bề mặt, được bán trên các nền tảng thương mại điện tử hoặc các cửa hàng bán đồ chăm sóc xe với giá khoảng 100.000 đồng tuỳ xuất xứ. Nhiệm vụ của đất sét là "kéo" các chất bẩn dính chặt trên bề mặt sơn.
Để sử dụng đất sét, chủ xe cần làm trơn bề mặt sơn bằng nước xà phòng hoặc dung dịch rửa xe, sau đó dùng đất sét chà lên bề mặt với một lực vừa đủ. Lưu ý nên nặn đất sét liên tục trong quá trình sử dụng để các chất bẩn đã lấy ra (dính trên bề mặt đất sét) không làm tổn hại lớp sơn của xe. Dùng khăn khô lau sạch những chỗ bẩn khi đã hoàn thành.
Cuối cùng, độ bóng của lớp sơn có thể được cải thiện bằng dung dịch đánh bóng chuyên dụng, được bán phổ biến trên thị trường. Chủ xe có thể dùng khăn khô tự đánh bóng bề mặt những vị trí sơn bị ảnh hưởng bởi phân chim và nhựa cây.
Chủ xe còn có thể tránh được tình trạng trên bằng cách dùng bạt phủ khi đỗ xe thời gian dài dưới tán cây. Bên cạnh đó, vệ sinh xe thường xuyên, ví dụ lau chùi xe hàng tuần, là cách để khiến lớp sơn xe luôn trong tình trạng tốt nhất.
Theo Tân Phan/VnE