kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Ô tô bị ngập nước cần xử lý như thế nào?

Ô tô bị ngập nước cần xử lý như thế nào?

Đối với những chiếc ô tô không may bị ngập nước thì điều quan trọng nhất là không cố khởi động lại xe, tháo cực âm ắc quy và đưa xe đến gara để kiểm tra toàn diện...

1. Không cố khởi động lại xe khi xe chết máy

Tại các đoạn đường ngập nước sâu, cách tốt nhất là dừng hẳn xe lại. Trường hợp nước tràn vào khoang máy và nội thất, gây chết máy, người lái cần gọi cứu hộ đưa xe về trạm sửa chữa để có phương án xử lý tốt nhất, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Với những chiếc ô tô bị chết máy khi đi qua đoạn ngập nước, tuyệt đối không khởi động lại. Nếu cố nổ máy có thể làm cong tay biên, trường hợp nặng có thể gãy tay biên dẫn đến vỡ lốc máy. Nguyên nhân là do nước tràn vào động cơ gây hiện tượng nén nước (thủy kích). Vì thế, cách tốt nhất là không cố khởi động mà hãy gọi cứu hộ.

Tháo cực âm ắc quy - đây được xem là giải pháp tình thế để hạn chế thiệt hại và cũng góp phần tránh hiện tượng đoản mạch, giúp bảo vệ ECU hoặc hộp máy tính khỏi bị hư hỏng.

Kiểm tra que thăm dầu - việc kiểm tra này nhằm xem có dấu hiệu của nước lọt vào hệ thống bôi trơn không. Nếu có nước, khả năng rất cao là động cơ cũng đã bị ngập nước và nếu xuất hiện giọt nước bám ở đuôi que thăm thì cần phải thay dầu và lọc dầu.

Ô tô bị ngập nước cần xử lý như thế nào

2. Nước ngập vào khoang nội thất xử lý như thế nào?

Xe bị ngập nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điện, do đó nên tắt chìa khóa điện. Việc này giúp bảo vệ các thiết bị điện tử và tránh bị chập. Hơn nữa, khi mức nước ngập quá cao thì tuyệt đối không mở cửa xe. Nước sẽ tràn vào bên trong làm hư hỏng các bộ điều khiển và nội thất xe. Nếu cần rời khỏi xe, lái xe nên hạ kính và chui ra khỏi xe

Trường hợp nước mới ngập vào nội thất chưa nhiều, chưa thể gây chập thiết bị điện, người lái có thể lái xe về nhà, tháo cực âm ắc-quy để qua đêm. Sau đó, gọi cứu hộ mang đến các trung tâm sửa chữa để xử lý. Với hiện tượng này, cách tốt nhất là sấy sàn.

Với trường hợp nước ngập sâu trong khoang nội thất, người lái cần gọi ngay cứu hộ, đưa xe đến các trung tâm sửa chữa để được xử lý kịp thời.

Một số lưu ý khi gặp đường ngập nước:

Quan sát khu vực xung quanh và kiểm tra mực nước

Đây là điều tối quan trọng khi lái xe qua vùng ngập nước. Nếu có thể, hãy xuống xe và quan sát khu vực bạn chuẩn bị vượt qua, đồng thời tự hỏi bản thân bốn câu hỏi trước khi quyết định tiếp tục hành trình của mình: Độ sâu của mực nước là bao nhiêu? Có chướng ngại vật nào khác trên đường không? Có lối thoát phù hợp không? Liệu đang có một dòng nước chảy xiết không?

Các bánh xe có thể được tận dụng để kiểm tra mức an toàn của mực nước ngập. Độ sâu của nước không được vượt qua ốp chắn bùn ở bánh xe trước hoặc tâm của la-zăng.

Nếu có chướng ngại vật cản đường hoặc bạn không thể xác định lối thoát phù hợp, hãy dừng lại, bởi mực nước có thể dâng cao hơn khi bạn di chuyển sâu vào vùng ngập. Ngoài ra, hãy duy trì với một hướng đi duy nhất để tránh việc va chạm với lề đường.

Thiết lập chế độ lái phù hợp

Một số mẫu xe được trang bị Hệ thống dẫn động bốn bánh có thể dễ dàng kích hoạt. Đầu tiên, về số 0 (số N), sau đó sử dụng tính năng gài cầu điện tử Shift-on-the-fly để chuyển sang chế độ 2 cầu chậm (4L). Từ đó, hệ thống dẫn động bốn bánh sẽ được kích hoạt ở cấp số thấp, truyền năng lượng từ động cơ đến bốn bánh xe và hỗ trợ duy trì tốc độ thấp hơn trong dải công suất tối ưu.

Đi tốc độ chậm, đều ga:

Khi gặp các đoạn đường ngập nước, lái xe nên đi số thấp tắt tất cả các phụ tải như: điều hòa, hệ thống giải trí... để tăng khả năng vận hành của động cơ.

Với xe số tự động, người lái nên chuyển chế độ S, ga từ từ và không nên thốc ga. Bởi khi đi đường đông, ngập nước, việc thốc ga và phanh lại khiến nước có thể sẽ tràn vào cổ hút, xâm nhập vào máy gây hiện tượng thủy kích. Chính vì thế, người lái nên dừng lại, quan sát xem khoảng cách ngập nước có rộng hay không để đi.

Đặc biệt lưu ý là không dừng lại trong vùng ngập. Nếu bắt buộc phải dừng lại thì về số N (mo), kéo phanh tay và vẫn giữ ga. Khi có thể tiếp tục lăn bánh, nhanh tay vào số và di chuyển qua vùng ngập.

Chậm mà chắc

Lái xe trong vùng ngập nước không phải một cuộc đua. Hãy di chuyển qua dòng nước từ từ, đủ để hình thành một làn sóng nhỏ hình vòng cung phía trước mũi xe và cố gắng duy trì làn sóng đó, không để nước tràn qua mui xe. Nếu nước bắt đầu chảy qua nắp ca-pô, bạn đang đi quá nhanh.

Ngoài ra, nước có thể xâm nhập vào khoang xe nếu mực nước tại khu vực đó cao hơn hoặc gần chạm đến phần dưới cửa xe.

Hãy di chuyển chậm rãi và duy trì tốc độ khoảng 7km/h và giảm thiểu tối đa việc đạp phanh hoặc dừng xe giữa chừng. Một khi đã quyết định tiến vào vùng ngập nước, bạn phải tiếp tục cho đến khi hoàn toàn thoát khỏi dòng nước đó./.

Gia Linh/VOV.VN

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy