Không được ghi trong văn bản luật, nhưng các quy tắc này được nhiều tài xế tuân thủ dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Ngoài hệ thống luật giao thông mà tài xế nào cũng phải học thuộc lòng khi muốn thi lấy bằng lái và phải tuân thủ khi tham gia giao thông, còn những quy tắc có thể được coi như những nghi thức xã giao. Các quy tắc không chính thức này có thể giúp ai đó tham gia giao thông một cách văn minh, an toàn và có trách nhiệm.
Làn ngoài cùng bên trái để vượt
Một trong những quy tắc phổ biến nhất là "không được chiếm làn ngoài cùng bên trái". Có nghĩa, ai đó chỉ chạy ở làn ngoài cùng bên trái nếu muốn vượt một xe khác cùng chiều và khi vượt xong, nên nhanh chóng ra khỏi làn đường này. Vì thế, trừ khi muốn vượt xe khác chậm hơn, các tài xế chỉ nên lái xe ở những làn còn lại.
Tuy nhiên thực tế, làn đường này bị không ít tài xế coi là làn đường chạy nhanh, tức là họ thấy mình chạy nhanh hơn các xe khác cùng chiều và cứ thế chạy ở làn đường này mà không nghĩ đến chuyện chuyển làn. Kiểu coi đường đi là của riêng mình như thế này không phải chuyện hiếm và ở đâu cũng có.
Riêng ở Mỹ, làn ngoài cùng bên trái để được quy định thành luật và có biển báo riêng: "Làn trái chỉ để vượt" (Left lane for passing only).
Để xe khác nhập làn
Một trong những hành động dễ gây xung đột nhất là khi có xe nhập làn. Các tài xế thường thấy khó chịu, phiền phức và thậm chí tức giận khi có xe khác muốn nhập vào làn đường của mình. Nguyên nhân có thể đơn giản là họ không muốn phải giảm tốc độ hoặc dừng lại, hoặc do kỹ năng của đối phương không tốt, như cố tình chen vào làn khi người khác chưa kịp nhường.
Cách đơn giản nhất để giải quyết xung đột là hãy quan tâm đến người khác, và hãy nhường đường khi có thể.
Không ném rác ra đường
Trừ Mỹ, Singapore và một số ít nơi khác, việc quẳng rác từ ôtô ra đường không bị cấm. Tuy nhiên, hành động này thường bị lên án bởi nhiều nguyên nhân, như sự phản cảm, gây mất vệ sinh, thậm chí gây mất an toàn cho các phương tiện xung quanh. Thứ thường bị ném qua cửa sổ ôtô nhiều nhất là mẩu thuốc lá, tiếp đến là vỏ chai, lọ sau khi đã sử dụng.
Còi ôtô không phải nhạc cụ
Luật về việc bấm còi ôtô cũng chỉ được ghi thành văn bản ở một số ít nơi, ở phần còn lại trên thế giới, việc bấm còi thường là "tùy tâm". Tuy nhiên, thực sự chỉ nên bấm còi trong một số trường hợp cần thiết, như cảnh báo ai đó đang gặp nguy hiểm, hoặc nhắc một tài xế quên chưa lái xe đi khi đèn xanh đã bật.
Ngoài ra, còn một số quy tắc ứng xử khác khi tham gia giao thông mà các tài xế nên thực hiện như đừng chiếm chỗ đỗ xe của người khác, hay nếu trót gây va quệt làm trầy xước xe khác, nên để lại lời nhắn trong trường hợp không thể chờ gặp đối phương. Những hành động này thể hiện sự quan tâm cũng như trách nhiệm của bản thân đối với những người xung quanh, giảm thiểu những xung đột không đáng có.
VNE