Dù rất hy hữu, một chiếc xe đang dừng, không bật chìa khóa vẫn có thể cháy do chập điện từ ắc-quy.
Vụ cháy chung cư mini tại Thanh Xuân làm 56 người thiệt mạng được Công an Hà Nội xác định do "chập mạch điện tại đoạn dây dẫn khu vực bình ắc-quy của một xe tay ga". Các chuyên gia PCCC và kỹ thuật xe máy cho biết, xe không khởi động rất khó tự cháy, nhưng thực tế vẫn có trường hợp hy hữu.
Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an phụ trách PCCC quận Bắc Từ Liêm, việc cháy do chập mạch đường dây dẫn điện của bình ắc-quy nằm ở phần đầu của chiếc xe ga không thường xuyên xảy ra dù lực lượng chức năng cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo. Do đây là sự cố kỹ thuật lại xảy ra trong một vụ cháy lớn, nên nguyên nhân chỉ là tương đối. "Khó xác định được trước khi chập mạch thì cái gì đã xảy ra", ông Quyến cho biết.
Hồi tháng 4/2022, một vụ cháy cũng với nguyên nhân chập điện ắc-quy xe máy đã xảy ra tại khu tập thể ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội, làm 5 người trong một gia đình tử vong. Năm 2018, vụ cháy chung cư Carina, TP HCM cũng có nguyên nhân tương tự, khi chiếc Attila tự bốc cháy trong hầm lúc 1h.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, kỹ thuật viên quân đội về hưu, người sửa xe máy gần 20 năm cho biết, đầu tiên, nguồn duy nhất có thể phát ra tia lửa điện, gây cháy trên xe máy chạy xăng là ắc-quy. Thông thường, dây dẫn điện bình ắc-quy (dây âm và dương) được tách biệt hoàn toàn, bao bọc cẩn thận. Nhưng nếu vì một lý do nào đó hai cực âm, dương tiếp xúc với nhau mà không qua vật tiêu thụ điện, tức đoản mạch, sẽ gây cháy.
Ví dụ, vỏ dây dương bị rách (xuống cấp theo thời gian, từng được sửa chữa nhưng không nối cẩn thận), nguồn điện tiếp xúc với khung xe, làm nóng, cháy vỏ dây. Từ khi cháy dây, sẽ khá lâu để lửa có thể lan tới các bộ phận khác. Vì thế nếu phát hiện kịp thời sẽ tránh hậu quả lớn.
Các nhà sản xuất xe máy đều tính tới việc này và có cơ chế để giảm thiểu rủi ro, đó là bảng cầu chì. Khi có chập điện, cầu chì sẽ đứt, như vậy tránh chập lan sang những khu vực khác, tia lửa điện, nếu có, sẽ chỉ ở trong vùng dây dẫn gần ắc-quy.
Trưởng phòng kỹ thuật một hãng xe máy cho biết, cầu chì hiện nay rất nhạy với những chập cháy dù nhỏ. Nhưng nếu xe từng được sửa ở những cửa hàng không uy tín, thay loại cầu chì không đúng chuẩn hoặc xe máy đã cũ, có thể cầu chì không hoạt động đúng chức năng, khi ấy dây cầu chì không đứt, chập điện sẽ lan sang những khu vực khác ngoài ắc-quy.
Một tác nhân khác khiến điểm chập dây điện có thể trở thành một vụ cháy lớn cả xe là rò rỉ hơi xăng. Với xe hiện nay sử dụng phun xăng điện tử, tỷ lệ này là rất hiếm, nhưng nếu xe sử dụng chế hòa khí đời cũ, hơi xăng có thể dễ thoát ra ngoài, trở thành nguồn dẫn lửa rất nhanh, đặc biệt với các xe mới sử dụng, các bộ phận còn rất nóng.
Ngoài những nguyên nhân trên, xe máy có thể tự bốc cháy nếu chủ xe độ, chế thêm những thiết bị không đúng tiêu chuẩn, vẫn sử dụng nguồn điện từ ắc-quy khi xe đang đỗ, hoặc dây điện được nối không được bọc cẩn thận, gây hở, dây nóng tiếp xúc dây mát, từ đó đoản mạch.
Các chuyên gia cho rằng, nếu bảo dưỡng định kỳ ở các đại lý chính hãng hoặc cửa hàng lớn, có uy tín, người dùng có thể yên tâm vì khả năng chập mạch là rất khó. Khi sửa chữa những vấn đề liên quan tới điện, cần sử dụng các bộ phận đúng chuẩn như cầu chì, dây dẫn..., không nên chắp nối nhiều mà nên thay mới.
Khi sử dụng, người dùng không nên đỗ xe ở không gian kín ngay khi vừa đi về. Thay vào đó, nên tắt máy, đợi xe nguội trong vài phút rồi mới đẩy xe vào nơi đỗ. Xe máy không nên đỗ gần những vật liệu dễ cháy, hoặc gần nguồn điện của gia đình, chung cư, bãi đỗ.
Theo vnexpress.net