kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Mức ngập nước thế nào sẽ gây hư hại nghiêm trọng cho xe

Mức ngập nước thế nào sẽ gây hư hại nghiêm trọng cho xe

Nước ngập quá mép cửa dưới dễ làm xe hư hại nặng, trong khi đó nếu ngập hoàn toàn gần như "vô phương cứu chữa".

Ôtô thường được thiết kế để chịu nước vừa phải, ví dụ các gioăng cao su ở cửa để ngăn nước mưa/nước ngập vào khoang xe, hoặc thảm bọc sàn có lớp cao su để ngăn nước thâm nhập vào bề mặt sàn kim loại gây gỉ sét. Tuy nhiên khả năng chịu nước của xe có giới hạn, thời gian ngâm trong nước, loại nước, và độ sâu của nước là các yếu tố quyết định mức độ thiệt hại của xe khi bị ngập.

Mức ngập nước thế nào sẽ gây hư hại nghiêm trọng cho xe
Đường gom đại lộ Thăng Long, Hà Nội ngập vào tháng 5/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Ảnh hưởng của ngập nước đến xe

Lái xe trong vùng ngập có thể gây ra những ảnh hưởng khó lường, thậm chí là khi xe chỉ lội nước mà chưa ngập. Thường gặp nhất là sự cố về hệ thống điện, nước thâm nhập vào làm đoản mạch, gây lỗi hệ thống máy tính điều khiển các chức năng của xe, hoặc gây hỏng hóc các linh kiện điện tử. Nếu nước tồn tại lâu có thể gây gỉ sét mạch điện, khiến lỗi nghiêm trọng hơn.

Tiếp theo là các lỗi về cơ khí của xe. Khi đi qua chỗ ngập cao, nước vào họng gió có thể gây thủy kích, khiến máy hư hỏng nặng nề. Bên cạnh đó nước còn có thể thâm nhập vào các bộ phận ở gần gầm xe như mối nối, khớp bi, thanh giằng, bộ vi sai, khiến các bộ phận này bị trôi lớp bôi trơn, dễ bị mòn hơn nếu không kịp thời bảo trì.

Bên trong xe bị ngập, thảm sàn, ghế, các chi tiết bọc vải/da ẩm ướt là môi trường lý tưởng để nấm mốc, vi khuẩn hình thành, gây khó chịu hoặc kích ứng cho những hành khách hít phải. Cuối cùng, xe ngập nước liên tục dễ bị gỉ sét thân xe, nếu không xử lý vết gỉ sẽ lan rộng.

Độ hư hại với từng mức ngập nước

Theo các thợ kỹ thuật lâu năm, nếu xe ngập hoàn toàn trong nước, khả năng cao xe bị hư hỏng hoàn toàn, không còn an toàn, hiệu suất của xe khó khôi phục như ban đầu khi sửa chữa, chi phí sửa chữa cao.

Trong trường hợp nước ngập đến mép cửa dưới, xe vẫn có thể hoạt động bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến hiệu năng. Lúc này nên rửa xe thật sạch từ trong ra ngoài, làm khô để tránh vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi.

Nếu nước ngập qua mép cửa, hơn nửa bánh xe, cao ngang ghế, lúc này khả năng cao một số bộ phận trên xe đã bị ngập nước và không còn hoạt động một cách tối ưu nữa. Tài xế có thể ngăn chặn bằng cách không mở cửa cho đến khi di chuyển đến chỗ an toàn. Nếu đỗ tại chỗ ngập trong thời gian dài, nước sẽ thâm nhập vào khoang xe.

Các hệ thống điện của xe có thể sẽ bị hư hỏng trong trường hợp này. Cho dù máy có thể chưa vào nước, chi phí và thời gian sửa chữa các hệ thống điện cho xe cao. Đó là lý do một số công ty bảo hiểm coi xe ngập nước quá sàn là tổn thất toàn bộ.

Bên cạnh đó, loại nước ngập cũng quyết định độ hư hại của xe. Xe sẽ bị hư hỏng nặng hơn nếu ngập nước mặn, vì muối làm tăng tốc độ ăn mòn trên kim loại, và khó vệ sinh nếu đã thâm nhập sâu vào trong các bộ phận của xe.

Để tránh các tác hại của ngập nước đến xe, tài xế không nên ra đường nếu thời tiết xấu. Nếu có thể nên tránh di chuyển ở các cung đường ngập. Trường hợp bất khả kháng đi vào vùng ngập, nên đưa xe di chuyển đến chỗ an toàn và gọi cứu hộ.

Theo vnexpress.net

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy