Nhiều đối tượng mạo danh lực lượng chức năng nhắn tin, gọi điện cho chủ xe yêu cấp cung cấp thông tin cá nhân, nộp phạt "nguội" cho xe ôtô.
Một ngày đầu tháng 8, Ngọc Thành (Hà Đông, Hà Nội) đang ngồi làm việc thì nhận được điện thoại từ số máy lạ gọi vào số cá nhân, thông báo có một biên lai phạt nguội vi phạm giao thông. "Đầu dây bên kia bảo tôi bấm phím 9 để nghe thông báo".
Người gọi điện thông báo anh mắc lỗi vượt đèn đỏ tại khu vực sân bay Nội Bài và yêu cầu anh đọc số chứng minh nhân dân để kiểm tra. Vì từng đi qua khu vực này trước đó ít ngày nên Thành không nghi ngờ. Sau một hồi, anh được báo chuyển máy xuống bộ phận kho lưu biên lai chờ phản hồi. Sau khoảng 5 giây anh tắt máy gọi lại thì tổng đài thông báo số điện thoại không có thực.
Bích Chung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới đây cũng lên mạng xã hội đặt câu hỏi về trường hợp được gọi điện thông báo phát nguội tương tự như Ngọc Thành. Chị nhận được câu trả lời của nhiều bạn bè rằng "bị lừa rồi", và nhiều người cũng từng rơi vào tình huống tương tự.
Lừa thông báo phạt nguội lấy thông tin hoặc chiếm đoạt tiền
Ngọc Thành, Bích Chung là hai trong số nhiều tài xế từng là nạn nhân của lừa đảo thông báo phạt nguội, có người chỉ dừng lại ở cung cấp thông tin cá nhân, nhưng có người thậm chí mất tiền vì trót chuyển khoản để "hỗ trợ nộp phạt online".
Để thuyết phục tài xế, kẻ lừa đảo thường đóng giả cơ quan chức năng, tự xưng là "tổng đài viên của lực lượng CSGT", nói rằng sẽ xử lý lỗi vi phạm từ xa giúp chủ xe, vì địa điểm phạt nguội rất xa nơi chủ xe cư trú, ví dụ tài xế ở Hà Nội bị xử phạt tại Nghệ An, Hà Tĩnh. Một số chủ xe được báo vi phạm lỗi phải tước bằng lái và đối tượng lừa đảo sẽ giúp làm nhẹ lỗi, yêu cầu đặt cọc 1-2 triệu đồng, nhưng sau đó biến mất.
Thủ đoạn chung của các đối tượng này, là thông báo hành vi vi phạm giao thông hoặc gây tai nạn giao thông với thời gian, địa điểm... cụ thể của người dân. Tuy nhiên, đã quá thời hạn xử lý nên đề nghị người vi phạm cung cấp số biên bản.
Nếu tài xế nói "chưa nhận được biên bản", kẻ xấu lại yêu cầu người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng... để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt.
Nhiều chủ xe khi được nghe thông báo này, rất hoang mang, lo sợ nên đã sập bẫy, mất tiền. Các đối tượng này yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn; hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý "phạt nguội". Đồng thời, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt. Đặc biệt khi gọi lại số điện thoại kia thì đều không liên lạc được.
Nguyên tắc xử lý phạt nguội
Để tránh bị lừa đảo, các tài xế cần biết nguyên tắc xử lý phạt nguội của cơ quan chức năng, được quy định trong Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng như Thông tư 65 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, như sau:
Tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện, thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng Cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện, hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm, đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý (phạt nguội). Khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở công an làm việc.
Nếu lo ngại giấy tờ bị thất lạc, không nhận được văn bản thông báo xử phạt, tài xế có thể kiểm tra mình có bị phạt nguội hay không, thông qua trang web của Cục CSGT tại địa chỉ http://www.csgt.vn. Ngay ở trang chủ, tài xế nhìn sang bìa phải sẽ có mục tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh, nhập các thông tin cần thiết như biển số, loại phương tiện, mã bảo mật là có thể tra cứu.
Nếu có vi phạm, màn hình sẽ ngay lập tức hiển thị thông tin chủ xe, thời gian, địa điểm, đơn vị phát hiện vi phạm, số điện thoại để bạn liên hệ giải quyết. Ngược lại, nếu xe không vi phạm, trang web sẽ xuất hiện thông báo "Không tìm thấy kết quả". Việc tra cứu phạt nguội này sẽ giúp người dân nắm được chính xác thông tin mình có vi phạm lỗi giao thông nào không; và ngăn ngừa được tình trạng giả danh công an lừa đảo tiền của chủ xe.
Hiện nay, có một số ứng dụng di động (app) hỗ trợ kiểm tra phạt nguội, nhưng thông tin sẽ chậm hơn trang chính thức của cục cảnh sát giao thông hoặc có thể thông báo sai vì đều về phải lấy thông tin từ trang của cục cảnh sát giao thông.
Ngoài ra các chủ xe cũng nên tự kiểm tra lịch trình di chuyển thực tế ngày và địa điểm bị thông báo vi phạm có đúng hay không, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng lấy thông tin cá nhân, chiếm đoạt tiền.
VNE