Nguồn cung cao su thiếu hụt, đình trệ đang bủa vây hàng loạt nhà sản xuất, trong khi giá cả ngày càng tăng.
Đang phải vật lộn với việc phải đóng cửa nhà máy do ảnh hưởng của đại dịch cũng như việc thiếu chip để sản xuất ôtô, các hãng xe nay phải đối mặt thêm thách thức khác: nguồn cung lốp đang ngày càng giảm.
Nút thắt ở tuyến đường biển đang gây ra sự gián đoạn trong quá trình di chuyển của cao su tự nhiên - vật liệu chủ chốt sử dụng trong lốp ôtô và cũng là một thành phần dưới nắp ca-pô. Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu thiếu hụt do một số nơi tích trữ từ trước, cũng như cây cao su bị nhiễm bệnh khiến giá cao su bị đẩy lên và một số nhà cung ứng của Mỹ phải chật vật đảm bảo các chuyến vận chuyển hàng trước khi thị trường lại rơi vào cảnh túng quẫn.
Trên thế giới, nhiều nhà máy sản xuất ôtô rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm đóng cửa do cuộc khủng hoảng thiếu linh phụ kiện, dẫn tới hậu quả là hàng tỷ USD lợi nhuận biến mất. Những nguyên liệu như mút xốp để làm ghế cho tới kim loại và nhựa polyester cũng trở nên khan hiếm.
Ngành công nghiệp ôtô - vốn lâu nay dựa vào phương thức sản xuất just-in-time (chỉ sản xuất và vận chuyển những gì cần thiết, vào đúng thời điểm với số lượng cần thiết) nhằm giảm chi phí - đang nhận ra bản thân với khả năng linh hoạt bị giới hạn trước tình trạng chuỗi cung ứng trở nên xáo trộn do dịch bệnh.
Việc thiếu cao su đe dọa hoạt động sản xuất ôtô trong khi nhu cầu phục hồi. Vấn đề về cao su có thể gây khó khăn đặc biệt bởi cây cao su cần 7 năm để trưởng thành, khiến việc phục hồi của chuỗi cung ứng khó trở lại bình thường trong thời gian ngắn.
Steve Wybo từ hãng tư vấn Conway MacKenzie ở Detroit nói: "Việc này cũng giống chuyện giấy vệ sinh hồi đầu khủng hoảng Covid-19. Nếu bạn đặt tay lên được một vài món nhựa hoặc cao su nào đó, bạn sẽ đặt hàng nhiều hơn mức bạn cần vì không thể biết lúc nào có thể lại mua được tiếp".
Các hãng ôtô, trong đó có Ford và Stellantis (tập đoàn mới thành lập bởi Fiat Chrysler Automobiles và Peugeot S.A. sáp nhập) đều nói rằng họ đang theo dõi tình hình nhưng chưa thấy bị tác động. Tương tự, General Motors (GM) cho biết không lo lắng về việc cung ứng cao su. Michelin (Pháp) - một trong những hãng lốp lớn nhất thế giới - đang lướt qua khu vực tắc nghẽn ở cảng biển bằng cách vận chuyển trực tiếp qua đường hàng không từ châu Á.
Nhưng với các nhà cung ứng dựa vào việc phân phối ở Mỹ, cao su vốn là một vấn đề.
Cao su tự nhiên được sản xuất từ mủ trắng của cây cao su - loài cây sống ở các nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm như Thái Lan và Việt Nam. Nếu cao su tổng hợp làm từ dầu mỏ được ưa dùng trong một số ứng dụng của cuộc sống, thì cao su tự nhiên được ưu tiên cho các sản phẩm như găng tay và băng keo - cả hai đều có nhu cầu tăng cao trong thời gian dịch bệnh. Và vì đó là những thành phần chủ chốt trong lốp và những linh kiện chống rung dưới nắp ca-pô, nên cao su càng trở nên gắn bó với ngành công nghiệp ôtô.
Ngành công nghiệp cao su bị thống trị bởi những tiểu nông nên khó khăn cho các nhà sản xuất khi muốn nhanh chóng điều chỉnh mỗi khi nhu cầu thay đổi, giá cả lên xuống hoặc chuỗi cung ứng gặp vấn đề. Nhưng đây cũng không phải mặt hàng duy nhất không dễ ổn định. Có thể sẽ thiếu 10 triệu tấn đồng tính đến hết 2030 nếu không có những khu mỏ mới được xây dựng, theo Trafigura Group - hãng kinh doanh đồng hàng đầu.
Thái Lan - nhà sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới - đã phải gắng gượng khi giá bán xuống thấp liên tục, khiến các trang trại cao su phải cạo mủ nhiều cây hơn bình thường để bù cho mức thu nhập thấp - việc khiến họ ít có ý định trồng thêm. Cung ứng cũng gắn chặt với nhu cầu về găng tay cao su trong thời gian dịch bệnh, thêm những tác động từ các yếu tố tự nhiên, gồm hạn hán, lũ lụt và bệnh đốm lá tại những quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới dẫn tới tình hình ngày càng căng thẳng.
Nước Mỹ bị tác động từ chuỗi cung ứng cao su từ nửa cuối 2020, khi Trung Quốc, thị trường ôtô lớn nhất thế giới và cũng là nơi tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất, tận dụng việc giá cả xuống thấp và kinh tế hồi phục để thu mua, theo Whitney Luckett, chủ sở hữu Simko North America - nhà phân phối cao su tự nhiên có trụ sở ở Colorado, cũng là một trong ba công ty tương tự tại Mỹ. Luckett nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã mua dự trữ cao su một phần từ Việt Nam. Cao su này được sử dụng để sản xuất băng keo, băng thun y tế và thành lốp ôtô.
Cung ứng cao su khó khăn đến mức một số nhà phân phối ở Mỹ hết sạch hàng tồn, theo Mike Jones, giám đốc cung ứng tại Intertape Polymer Group (Canada).
Giá cao su tự nhiên tăng 2 USD mỗi kg hồi cuối tháng 2, mức cao nhất trong 4 năm, trước khi dẫn tới mức giảm như hiện nay, dữ liệu của Bloomberg cho thấy. Robert Meyer, cựu giám đốc điều hành của hãng lốp Halcyon Agri Corp. (Singapore) và hiện là giám đốc tại Angsana Investments Private Ltd. (Singapore), nói: "Rắc rối về cung ứng mà chúng ta đang chứng kiến diễn ra theo cấu trúc. Mọi thứ sẽ không thay đổi quá sớm".
Tình huống hiện nay đang gây nguy hiểm tới thói quen sản xuất just-in-time đã trở thành chân lý trong ngành công nghiệp ôtô nhiều thập kỷ qua, theo Tor Hough, nhà sáng lập của hãng nghiên cứu chuỗi cung ứng Elm Analytics. Bằng việc dựa vào dự trữ để kiểm soát chi phí, các công ty trở nên dễ bị tổn thương trong thời kỳ chuỗi cung ứng xảy ra biến động lớn.
Việc thu mua cao su mới đây của Trung Quốc càng cho thấy điểm yếu của Mỹ, nơi không có kho dự trữ quốc gia với vai trò là mạng lưới an toàn cho các doanh nghiệp nội địa, Dan Finkenstadt, giáo sư sau đại học về quản lý quốc phòng tại Monterey, California nhận xét.
VNE