Làm từ thiện - Cho và nhận

Đơn giản chỉ là những món quà trao yêu thương, những hành động giản dị, chân thành nhưng với bao số phận không may mắn, đó lại chính là sự sẻ chia vô cùng quý giá. Và với những người làm từ thiện, niềm vui của người nhận chính là niềm hạnh phúc vô giá.

Nhiều người quan niệm làm từ thiện đơn giản chỉ là việc trao cho ai đó có hoàn cảnh khó khăn giá trị vật chất hoặc tinh thần, hay coi đây chỉ là hành động mang tính tương tác một chiều. Hiểu như thế là chưa đầy đủ, những người làm từ thiện cũng là người được nhận trong mối quan hệ trên - Đó là giá trị về mặt tinh thần khó có thể đong đếm bằng định lượng cụ thể.

Niềm vui của những người trao yêu thương là nhận lại nụ cười. Ảnh: Khánh Chi

Chuyến hành trình khởi đầu về thăm những đứa trẻ mồ côi tại chùa Thịnh Đại, xã Đại Cương (Kim Bảng) cách đây 8 năm đã đem lại cho bác Trần Thị Tuyết, phường Lê Hồng Phong, TP.Phủ Lý) biết bao cảm xúc khác lạ về phận đời, tình người. Để rồi, từ đó câu chuyện về những buổi gặp mặt xúc động, những trải nghiệm khắp trời Nam, đất Bắc cứ thế kéo dài, ngay đến bản thân bác cũng không nhớ rõ đã làm được bao nhiêu việc có ích với người, với đời.

Bác Tuyết chia sẻ: Tôi không giàu có gì, cuộc sống hằng ngày vẫn phải dựa vào cửa hàng đồ khô ở chợ để kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên khi gặp những trường hợp không may mắn, thấy họ thật đáng thương nên tôi tự thấy cần phải san sẻ, giúp đỡ họ. Món quà vật chất không lớn, đôi khi là vài cân quà bánh cho các cháu mồ côi, 1-2 triệu đồng quyên góp xây nhà tình thương, hay những bữa ăn cho người già neo đơn… nhưng tâm tôi thấy thoải mái.

Người làm việc thiện chỉ cầu cho đi là mang lại thanh thản cho tâm hồn và hy vọng giúp đỡ được phần nào những mảnh đời khốn khó. Điều bác Tuyết vui nhất là chồng, con luôn đồng hành, ủng hộ mình trong suốt quãng thời gian qua. Con gái lớn của bác đã lấy chồng, bận rộn với công việc nhưng vẫn luôn dành thời gian cùng bác và một số hội, nhóm tham gia hoạt động nấu cháo từ thiện tại bệnh viện, thăm, tặng quà trẻ em mồ côi ở nhà chùa, trẻ nhiễm chất độc da cam… Những việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa đó gần như đã trở thành hoạt động thường xuyên của hai mẹ con bác Tuyết vào dịp cuối tuần.

Chưa có khả năng chủ động về mặt kinh tế bởi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng Giang Thị Hồng Hạnh (quê xã Chân Lý, Lý Nhân, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Đội sinh viên tình nguyện đồng hương Hà Nam Ninh) đã kịp thu nhận kha khá những ký ức khó quên từ những buổi đầu tham gia hoạt động tình nguyện.

Nói về quyết định tham gia các hoạt động thiện nguyện của mình, Hạnh tâm sự: Em từng có cơ hội du lịch một số tỉnh vùng núi phía Bắc, đã nhìn và thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của đồng bào vùng cao nên em luôn nghĩ trong khả năng cho phép mình cần làm điều gì đó thiết thực để góp một phần công sức nhỏ bé giúp đỡ người dân nơi đây. Dù sau này, trên chuyến hành trình trao yêu thương, nhận niềm vui còn rất nhiều trải nghiệm đong đầy cảm xúc nhưng em nghĩ, em sẽ không bao giờ quên được hình ảnh ánh mắt sáng ngời, nụ cười tươi rói của những đứa trẻ vùng cao khi được nhận quần áo ấm, sách vở mới. Phải tận mắt chứng kiến các em nhỏ vui mừng ôm tập vở trong ngực, có em còn vội mở trang bìa, giấu mặt trong trang vở, hít hà hương thơm mùi giấy mới chúng ta mới thấy việc làm nhỏ của mình có ý nghĩa và cần thiết như thế nào.

Ai cũng có thể làm từ thiện, nhưng để thực hiện một chuyến từ thiện và biến nó trở thành việc làm thường xuyên thì không phải là điều đơn giản, ở tất cả các khâu đều cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tính chuyên nghiệp cao. Bởi vậy, tham gia làm từ thiện, chúng ta không chỉ cho đi, chúng ta còn được nhận về niềm vui, kinh nghiệm sống. Với lớp trẻ, họ có cơ hội được học hỏi cách thức tổ chức, sắp xếp, phân công công việc, chương trình sao cho phù hợp nhất. Đặc biệt, những chuyến từ thiện với họ thật sự có giá trị giáo dục rất sâu sắc.

Khi được đi, được thấy, được nghe, các em sẽ cảm nhận được cuộc sống một cách chân thật nhất, những điều mà sách vở, nhà trường không thể truyền tải hết, qua đó khơi gợi lòng nhân ái trong tâm hồn, giúp các em hoàn thiện nhân cách. Với những người lớn tuổi, khi sống trong không khí trẻ trung, được đem đến niềm vui, tiếng cười cho nhiều người, họ cũng cảm thấy như mình trẻ lại, thấy mình là một người có ích trong xã hội.

Cô Trần Thu Thủy, một hội viên tích cực của Hội Tấm lòng vàng Hà Nam tâm sự: Làm từ thiện không chỉ để cho cái tâm thanh thản mà bản thân cũng tích góp được vốn sống, phát triển các mối quan hệ và thấy mình sống có ích với đời. Đi để hiểu cuộc sống, đi để trao yêu thương và nhận lại yêu thương. Bởi vậy, nhiều hội viên của hội dù bận rộn công việc nhưng đều chủ động dành thời gian cho các hoạt động thiện nguyện, sẵn sàng đóng góp trong khả năng cho phép để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hơn vượt qua khó khăn.

Qua mỗi hành trình làm từ thiện, mỗi người lại có cách nhìn riêng về giá trị của sự cho đi và nhận lại. Nhưng đã làm từ thiện, chẳng ai tính toán thiệt hơn giữa cho và nhận, bởi có những thứ chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Chúng ta trao yêu thương, nhận lại hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản là thấy được nụ cười rạng rỡ, giọt nước mắt mừng vui của những con người không may mắn khi nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng.

Thanh Vân

Thanh Vân, Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.