Đó là bác sỹ CKI Huỳnh Ngọc Nga, Trạm Y tế (TYT) xã Văn Xá (huyện Kim Bảng).
Những ngày Bệnh viện Dã chiến số 1 Hà Nam mới đi vào hoạt động là thời gian dịch Covid-19 đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Làm việc tại bộ phận nóng bỏng nhất của bệnh viện-Khu Cấp cứu có bác sỹ CKI Huỳnh Ngọc Nga đến từ Trạm Y tế (TYT) Văn Xá (Kim Bảng). Ròng rã 2 tháng trời bác sỹ Nga đã cùng với các y, bác sỹ đến từ nhiều đơn vị y tế trong tỉnh tận tâm chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, giúp họ chiến thắng thứ bệnh dịch nguy hiểm để trở lại cuộc sống bình thường.
Năm 2021. bác sỹ Huỳnh Ngọc Nga đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bác sỹ Huỳnh Ngọc Nga học trung cấp y, làm công tác dân số một thời gian, sau đó học lên bác sỹ, bác sỹ chuyên khoa I và công tác tại TYT Văn Xá. Ông Chu Văn Xa, Trưởng TYT xã Văn Xá cho biết, bác sỹ Nga có chuyên môn tốt, là một người nhiệt tình, xông xáo, năng nổ, có trách nhiệm với công việc.
Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 mới xuất hiện, mọi người đều rất sợ hãi thứ vi rút quái ác, nhưng khi đó bác sỹ Nga đã xung phong đến trực ở tòa nhà Tiến Lộc (TP Phủ Lý), nơi có người nước ngoài về từ vùng dịch cách ly theo quy định. Năm 2021, khi các tỉnh phía Nam bùng phát dịch, bác sỹ Nga đã xung phong đăng ký trong đoàn cán bộ y tế số 4 của Hà Nam hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch. Tuy nhiên, đoàn chưa kịp lên đường thì Hà Nam bùng phát dịch, tỉnh thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 và đoàn được giao nhiệm vụ làm việc tại bệnh viện. Hơn 2 tháng liên tục, ròng rã ở Bệnh viện Dã chiến, xa gia đình, cách ly hoàn toàn với xã hội bên ngoài, bác sỹ Nga cùng với các cán bộ y tế đến từ nhiều cơ sở điều trị trong tỉnh đã miệt mài, nỗ lực chăm sóc, điều trị cho những người không may bị mắc Covid-19.
Bác sỹ Nga cho biết, khi đó chỉ các cháu bé ít tuổi mới có người nhà vào cùng, chăm sóc các cháu lớn hơn đôi chút, người già, các y, bác sỹ ngoài điều trị đều phải đảm nhận cả việc chăm sóc, động viên. Ngày đó tỷ lệ tiêm vắc - xin chưa cao nên Covid-19 còn rất kinh khủng, ai mắc cũng lo, nhất là người già. Các cháu không có người nhà đi cùng, lần đầu xa gia đình rất bỡ ngỡ, căng thẳng, nhiều khi không chịu giao tiếp với cán bộ y tế. Bác sỹ Nga đã ân cần chuyện trò, động viên để các cháu bớt lo lắng, từ đó chia sẻ, hợp tác để nhanh khỏi bệnh. Người già khi được bác sỹ Nga động viên cũng phấn chấn, tích cực phối hợp.
2 tháng xa gia đình, nhưng vừa hoàn thành nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến chưa lâu dịch lại bùng phát với số ca cộng đồng tăng mạnh. Nhờ tỷ lệ tiêm vắc - xin phòng dịch Covid-19 đạt cao, số ca mắc hầu hết đều ở thể nhẹ điều trị tại nhà và nhiệm vụ chính lúc này thuộc về các TYT. Khi số F0 nhiều, trạm phân công mỗi cán bộ phụ trách một thôn. Là bác sỹ duy nhất tại trạm lại từng làm việc tại Bệnh viện Dã chiến, bác sỹ Nga trực tiếp thăm khám, điều trị cho các F0, hướng dẫn họ theo dõi sức khỏe. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các cán bộ trạm trong các công việc liên quan đến điều trị F0 tại nhà. Khi có các ca có dấu hiệu chuyển nặng chị trực tiếp xuống gia đình thăm khám, đánh giá tình hình để quyết định cho chuyển tuyến trên hay không... Hiện tại bác sỹ Nga vẫn cùng với các cán bộ trạm vừa khám chữa bệnh thường quy, đồng thời điều trị F0 tại nhà, thực hiện chiến dịch tiêm vắc - xin phòng dịch Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Chia sẻ về nghề nghiệp, bác sỹ Nga cho biết: Bên cạnh sự cố gắng của bản thân, tôi luôn có sự hỗ trợ của chồng, nhất là thời gian có dịch Covid-19 vừa qua trong nuôi dạy con tôi mới yên tâm công tác. Nói về nguyện vọng, chị chia sẻ, chỉ mong sao thu nhập của cán bộ y tế nói chung, đặc biệt là cán bộ y tế cơ sở được quan tâm và nâng lên, để các cán bộ y tế yên tâm gắn bó với nghề.
Đỗ Hồng