Người vì việc thiện

Quy y Tam bảo, một lòng hướng Phật, người phụ nữ tên Nguyễn Thị Trưng chỉ mong muốn những việc làm của mình và những người xung quanh góp một phần san sẻ nỗi khổ của nhiều người thiếu may mắn trong cuộc sống. Bà đã cùng bạn bè tạo dựng hành trình hướng đạo, làm an lòng chúng sinh và tôn vinh việc thiện ở đời.

Sinh năm 1952 tại xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, đến tuổi trưởng thành, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Nguyễn Thị Trưng lên đường đánh Mỹ. Đơn vị của bà thuộc Sư đoàn 320, năm 1970 chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Bà bị nhiễm chất độc hóa học, trở về địa phương tiếp tục học sư phạm, trở thành cô giáo. Được mai mối, bà kết duyên với một sỹ quan quân đội cũng bị nhiễm chất độc hóa học nên cả hai không sinh con. Họ sống hạnh phúc bên nhau tại thị xã Phủ Lý (nay là TP. Phủ Lý).

Bà Nguyễn Thị Trưng luôn có mặt trong các buổi phát cháo từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trong con mắt của bạn bè, bà Trưng là người hiền lành, đôn hậu, nhanh nhẹn và có tấm lòng từ bi. Cuộc sống của hai vợ chồng bà Trưng êm đềm trôi đi, họ có một cửa hàng bán phụ kiện may mặc trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Bà Trưng chia sẻ: "Khi tôi nghỉ hưu, làm việc ở nhà, các bạn bè của mình thường xuyên qua lại và nói chuyện về đồng đội, về cuộc sống. Thấy nhiều người khổ, hoàn cảnh éo le, thương tình rồi nghĩ phải làm từ thiện. Năm ấy, đồng bào miền Trung bị bão lũ ngập chìm trong đói khổ, chúng tôi bàn nhau quyên góp tiền, gạo, quần áo mang vào đó ủng hộ bà con. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, trên tinh thần ấy, chị em, bạn bè ủng hộ quyên góp được hàng tấn gạo, mì tôm, quần áo… Từ sau lần ấy, chúng tôi làm việc thiện có tổ chức và nền nếp hơn".

Nhóm từ thiện của bà Trưng phát triển lớn dần, đặc biệt khi họ tham gia Hội Pháp thiện chùa Hòa Lạc. Bà Trưng đến chùa quy y Tam bảo, đọc kinh niệm Phật, gặp gỡ nhiều phật tử có tấm lòng từ thiện đã cùng với nhà chùa thực hiện nhiều việc làm từ thiện. Hội Pháp thiện thành lập, dưới sự chỉ giáo của Đại đức Thích Minh Giác, bà Trưng được giao phụ trách nấu cháo từ thiện, phát miễn phí cho bệnh nhân trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Lao động và xã hội. Mỗi tuần một lần, hội nấu 5 nồi cháo, mỗi nồi khoảng 70 đến 80 suất ăn mang đến bệnh viện và trung tâm vào sáng Chủ nhật. Ý nghĩa của việc làm lan tỏa, rất nhiều phật tử khi biết việc này đã liên hệ với bà Trưng, xin tham gia hành thiện. Mỗi tuần nhà chùa và hội chi trên dưới 10 triệu đồng, trích từ tiền quyên góp của ngót 200 hội viên là các phật tử xa gần cho việc nấu cháo từ thiện. Bà Nguyễn Thị Trưng cho biết, số tiền chi cho việc nấu cháo mỗi năm lên tới trên 100 triệu đồng, chưa kể tiền chất đốt.

Ngoài phát cháo từ thiện, nhà chùa và các phật tử trong hội còn phát tâm làm nhiều việc thiện khác như "từ sinh", nghĩa là mỗi tháng từ thiện một địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn mà nhà chùa và các phật tử biết. Dù nhiều, dù ít, nhà chùa và các phật tử tổ chức thăm nom, tặng quà. Bà Trưng kể: "Cách đây vài năm, tôi được các học trò mời về dự họp khóa. Khi chia sẻ hoạt động của mình trong Hội Pháp thiện, có một học trò, giờ đang là sỹ quan quân đội đã gặp tôi, trao tận tay 9 triệu đồng nói là góp một phần nhỏ bé của mình vào việc thiện cùng với nhà chùa và hội. Anh sẽ tham gia hoạt động này từ bây giờ như một thành viên". Bà rất mừng, không phải vì số tiền anh đóng góp mà vì tấm lòng của học trò hiểu và chia sẻ với bà về những việc đang làm.

Trong Hội Pháp thiện, bà Trưng là người uy tín, được các thành viên tín nhiệm, nhà chùa tin tưởng giao cho việc cầm quỹ. Nhiều năm qua, phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, nữ chiến sỹ Trường Sơn năm xưa không bao giờ quên trách nhiệm của mình với xã hội, với đồng đội. Bà nói, bà theo hành thiện vì tinh thần Phật pháp. Người truyền lửa và đoàn kết tổ chức này cho bà chính là thầy trụ trì Thích Minh Giác. Đối với đồng đội, bà có một tình cảm đặc biệt dành cho những người không may bị nhiễm chất độc hóa học như mình. Không chỉ bản thân họ mà còn cả con cháu họ bị nhiễm, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Bà mong muốn giúp đỡ, chia sẻ được nhiều hơn với đồng đội của mình. Bà nói, bản thân bị ốm đau đã khổ sở lắm rồi, thế mà phải chăm sóc, phải nuôi dưỡng mấy đứa con đau yếu, tàn tật do di chứng của chất độc hóa học chiến tranh suốt đời thì nỗi khổ ấy kể sao hết? Mỗi lần đến với gia đình có người nhiễm chất độc hóa học bởi chiến tranh, trái tim bà đau thắt. Nhiều đêm, cứ nghĩ về số phận những con người ấy, sống vật lộn với chút tiền trợ cấp ít ỏi, bệnh tật đầy mình, bà không sao ngủ được. Tình thương đồng đội thôi thúc bà làm nhiều việc thiện hơn. Bà nói: "Việc làm của tôi rất may mắn có đồng đội và những người thiện tâm, thiện chí giúp đỡ"…

Giang Nam

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy