Người phụ nữ với ước mơ xây dựng thương hiệu sữa Hà Nam

Sớm có công việc ổn định với mức lương khá ở Hà Nội, nhưng chị Trần Thị Thanh Thoan, thôn Đô Quan, xã Mộc Nam (Duy Tiên) vẫn quyết định trở về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Trần Thị Thanh Thoan xây dựng gia đình và có một công việc ổn định tại Hà Nội. Nhưng với sự động viên của gia đình cùng suy nghĩ "Làm kinh tế ở đâu cũng là làm giàu, sao không lập nghiệp trên chính quê hương mình", năm 2014, chị và chồng một lòng quyết chí về quê làm nông nghiệp, mở trang trại.

Ban đầu, với số vốn ít ỏi, kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa chẳng có mấy, chị và chồng không dám làm lớn. Tuy nhiên, càng làm càng ham, xã lại đang có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nuôi bò sữa, chỉ sau 4 năm, từ 21 con khởi nghiệp, đến nay, quy mô chăn nuôi của gia đình chị Thoan đã lên tới hơn 60 con bò sữa.

Chị Trần Thị Thanh Thoan giới thiệu về sản phẩm sữa Hanamilk và đạt giải Nhất Hội thi Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức.

Trang trại nuôi bò sữa của gia đình chị Thoan được đầu tư khá bài bản, sạch sẽ, thoáng đãng với gần 1.300m2 trong tổng diện tích hơn 7ha, có hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió để luôn duy trì nhiệt độ phù hợp và hệ thống vắt sữa khép kín. Đàn bò được chia vào các khoang theo lứa tuổi cùng tình trạng sức khỏe để tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng theo yêu cầu và được nuôi bằng cám theo công thức của Công ty sữa Cô gái Hà Lan.

Chị Thoan chia sẻ: Tuyệt đối không nuôi lẫn gia cầm hay các loại vật nuôi khác chung với đàn bò, vì rất khó để kiểm soát bệnh dịch và các nguồn bệnh lây tạp. Nhằm tiết kiệm chi phí và bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn bò, 6ha còn lại gia đình tôi trồng thêm cỏ voi, ngô và cây đỗ, không sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ. Vì vậy, với 60 con bò sữa, trung bình mỗi ngày trang trại của chị Thoan cho sản lượng khoảng hơn 5 tạ sữa. Chị Thoan cũng cho biết, thời gian tới, chị sẽ tìm và học thêm về công nghệ ứng dụng enzyme, giúp đàn bò phát triển tốt, cho ra chất lượng sữa cao hơn.

Dẫn tôi đi thăm quan mô hình nuôi bò sữa của gia đình, chị Thoan tâm sự, để có được như ngày hôm nay chị đã trải qua rất nhiều khó khăn. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn thức ăn xanh nên đàn bò phát triển rất chậm, sản lượng sữa không cao. Trong khi đó, ở phía đầu ra là công ty thu mua sữa lại ép giá hoặc cả tháng trời không đến lấy sữa, chị phải bán rẻ ra bên ngoài, còn lại sữa hỏng phải đổ đi hết. Nhìn cảnh đó ai lại không xót, chi phí đầu tư lớn, đầu ra không ổn định, sau một thời gian đắn đo suy nghĩ nhằm giảm sự phụ thuộc vào phía công ty thu mua, gia đình chị Thoan quyết định tự chế biến sữa của trang trại thành các sản phẩm như sữa tươi thanh trùng, sữa chua nếp cẩm bán ra thị trường.

Xây dựng cơ sở chế biến sữa và nâng cấp thành Công ty cổ phần sữa Hanamilk Hà Nam, chị Thoan đầu tư thêm dàn máy móc khá đầy đủ và hiện đại, như: máy đóng sữa vào chai, máy co màng nhãn chai, máy thanh trùng sữa, máy đồng hóa sữa, lò ủ sữa chua, máy in phun ngày đóng gói và hạn sử dụng, phòng lạnh giữ sản phẩm…

Với hệ thống máy móc này, Hanamilk sẽ có điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng thành phẩm cũng như triển khai hệ thống quản lý xác thực, truy xuất nguồn gốc từng sản phẩm. Những sản phẩm sữa tươi, sữa chua được gia đình chị đăng ký nhãn hiệu Hanamilk  sản xuất trên dây chuyền khép kín và được cấp đầy đủ chứng nhận an toàn thực phẩm từ cơ quan chức năng. Chỉ riêng sản phẩm sữa chua nếp cẩm, trung bình mỗi ngày gia đình chị Thoan bán ra ngoài thị trường khoảng trên dưới 2.000 cốc, giá trung bình 7.000 đồng/ cốc.

Việc mở rộng cơ sở chế biến của gia đình chị Thoan còn tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động với mức lương 3,5 - 6 triệu đồng/ tháng. Chị Phạm Thị Thúy Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mộc Nam (Duy Tiên) đánh giá: Chị Thoan là một hội viên trẻ năng động, nhiệt tình, không chỉ tự thân làm giàu, còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với chị em trong hội cùng đam mê, chí hướng. Hoạt động hiệu quả của Hanamilk đã góp phần tích cực tiêu thụ sản phẩm sữa thừa và tạo thêm việc làm cho phụ nữ cơ sở. Đây là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, làm giàu chính đáng, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã. Chị Thoan cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu của xã vinh dự được nhận Bằng khen của tỉnh nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, dù còn nhiều khó khăn, chị Thoan vẫn quyết tâm với hướng đi của mình, không chỉ làm giàu cho gia đình, mà chị còn ấp ủ một mong muốn lớn hơn, đó là xây dựng được thương hiệu sản phẩm sữa bò Hà Nam thành công như Mộc Châu (Sơn La) đã làm được, góp sức giúp đỡ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy