Người lính già gần 20 năm đi tìm mộ đồng đội

"Còn sức còn tận lực tìm kiếm, đưa anh em về với quê hương", suốt bao năm qua, suy nghĩ ấy luôn khắc khoải trong trái tim cựu chiến binh Nguyễn Thiện Tỉnh (thôn 3, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý), thôi thúc người lính già ấy trở về với chiến trường xưa, tìm lại đồng đội đã ngã xuống.

Năm 1966, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như bao chàng trai cùng trang lứa, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ và được phiên chế vào Trung đoàn 46, Tỉnh đội Nam Hà. Năm 1968, ông chuyển về Trung đoàn 9 Quang Trung, Sư đoàn 304, mặt trận Quảng Trị.

Giữa những trận đánh ác liệt, sinh tử thoáng qua từng giây phút, chứng kiến đồng đội ngã xuống, tự tay khâm liệm chôn cất họ, trong lòng ông không ngừng đau đáu nỗi niềm phải làm sao tìm lại hài cốt đồng đội, đưa các anh về với người thân, quê hương. Đất nước hòa bình, gác lại trăm mối bộn bề cuộc sống, từ đầu những năm 90, cựu chiến binh Nguyễn Thiện Tỉnh đã tự mình ngược xuôi khắp trong Nam ngoài Bắc, tỉ mẩn tìm hiểu, ghi lại và chắp nối thông tin liệt sỹ, dẫn lối, chỉ đường đưa người thân đến với các anh.

Những chuyến hành trình ấy hầu như ông chỉ đi một mình, hiếm lắm mới kết hợp với hai ba đồng đội khác, số tiền chi trả cho mọi khoản đi lại, ăn ở đều tự ông bỏ ra. Biết bao khó khăn cho những cuộc hành trình đặc biệt ấy. Nhiều khi phải đi lại nhiều lần mà vẫn chưa thể tìm ra danh tính mộ liệt sỹ nhưng ông không từ bỏ. Ông muốn làm điều cuối cùng cho đồng đội, những người đã hy sinh tuổi xuân, gác lại ước mơ dang dở, lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Cựu chiến binh Nguyễn Thiện Tỉnh.

Ông Tỉnh kể, đến giờ ông vẫn còn nhớ rõ hình ảnh của 3 liệt sỹ Đỗ Hồng Giang (Châu Quỳ, Thái Bình), Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Phi Khanh (Thanh Hóa). Ngày đó, Quảng Trị đang mùa mưa, cả ngày mưa dầm dề không dứt, lương thực khan hiếm nên đội của ông ai cũng đói, nhất là 3 người đang trong ca gác. Họ vốn là những thanh niên hừng hực sức trẻ, họ vui vẻ nói cười, ca hát trong bữa cơm tràn đầy tình đồng đội. Giang còn hay đùa với ông: "Đội trưởng ơi em đói quá, giờ địch tập kích chắc cũng không còn hơi để đánh".

Biết tình trạng thiếu lương thực kéo dài sẽ không ổn, ông quyết định cử người vượt sông Ô Lâu đến kho gạo xin cấp lương thực. Nhưng không ngờ đến lúc xin được lương thực mang về, 3 người chưa kịp ăn cơm thì bị địch thả bom. Cả 3 đều hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Nén đau thương, ông cùng đồng đội tự tay khâm liệm, chôn cất chu đáo. Sợ địch phát hiện, ông cùng đồng đội cẩn thận đánh dấu mộ bằng hòn đá lớn, sau đó san phẳng đất. Năm 1993, ông cùng người nhà liệt sỹ Giang quay về chiến trường xưa, tìm lại hài cốt các anh.

Đây cũng là 3 mộ liệt sỹ được ông tìm thấy đầu tiên. Ông tâm sự: "Ngày đưa đồng đội về quê hương, tôi không kìm được nước mắt. Tôi đã từng cùng chiến đấu, lại tự tay chôn cất đồng đội, vì vậy nếu không đưa họ về nhà, tâm tôi sẽ day dứt không yên. Không chỉ là anh em cùng đơn vị, đi khắp mọi nghĩa trang, nếu trường hợp nào tôi giúp được, tôi sẽ cố gắng hết sức".

Quá trình tìm hài cốt liệt sỹ chưa bao giờ là đơn giản. Thời gian càng trôi đi thì cơ hội để đưa đồng đội về với "đất mẹ" càng trở nên khó khăn. Hiểu được điều đó nên đến mỗi nghĩa trang, ông đều cẩn thận ghi lại tên, ngày, tháng, năm hy sinh, quê quán, đơn vị của liệt sỹ.

Với các ngôi mộ vô danh, ông cẩn thận đánh dấu lại, sau đó đối chiếu với danh sách liệt sỹ hy sinh mà ông có. Đến khi chắc chắn thông tin, ông chủ động gửi thư cho gia đình liệt sỹ và đơn xin xác nhận ADN tới Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Quá trình xác định này phải mất 3-4 tháng.

Thậm chí nhiều mộ còn khó xác định phương hướng vì sau nhiều năm chiến tranh xáo trộn, thời gian phai mờ dấu vết, phần lớn dựa vào trí nhớ những đồng đội còn sống hay bản đồ tác chiến để thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Bằng cách làm kiên trì, cẩn trọng đó, từ năm 1993 đến nay, sau bao cố gắng ông đã tìm và xác định danh tính cho 19 liệt sỹ.

Những lá thư tay thấm đẫm nước mắt, trang giấy ngả màu thời gian từ thân nhân các gia đình liệt sỹ chính là phương thức liên lạc, cầu nối duy nhất giữa ông và họ, cũng là nguồn động viên tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho ông tiếp tục cố gắng.

Mỗi chuyến đi đều để lại trong ông dòng cảm xúc khó phân định. Nhiều ngôi mộ được ông xác định thông tin, nhưng vì người thân liệt sỹ hoàn cảnh khó khăn, vẫn chưa thể vào thăm các anh một lần. Đó cũng là niềm trăn trở của người cựu chiến binh nhiệt huyết.

Không chỉ miệt mài tìm hài cốt của đồng đội ở khắp mọi miền Tổ quốc đưa về quê hương, ông còn tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ, quyên góp giúp đỡ những gia đình liệt sỹ, cựu chiến binh hoàn cảnh khó khăn. Tháng 6 vừa qua, ông đã được một  huyện ở tỉnh Quảng Trị đồng ý cấp 500m2 đất để xây dựng tượng đài ghi công các chiến sỹ hy sinh từ năm 1968 đến 1975 tại mặt trận này. Tiền xây dựng vận động từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, dự kiến khoảng trên 1 tỷ đồng.

Tuổi đã ngoài bảy mươi, sức khỏe không còn được như xưa nhưng nhiệt huyết trong ông vẫn không nguôi lắng. Ông tâm sự: Còn sức tôi còn tận lực tìm kiếm, tôi mong muốn đưa anh em về với quê hương. Con cháu giờ đã lớn, có cuộc sống riêng ổn định, bởi vậy tôi sẽ dành thời gian và dồn toàn bộ tiền lương của mình để đi tìm đồng đội.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.