Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu toàn quốc

Đó là anh Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, có trụ sở tại KCN Đồng Văn II (Duy Tiên). Vừa qua, anh là đại diện duy nhất của Hà Nam được tôn vinh tại Lễ tuyên dương 70 Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu toàn quốc do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Tốt nghiệp chính quy chuyên ngành Tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) vào năm 2004 và là tu nghiệp sinh tại Nhật Bản 3 năm sau đó, khi trở về nước, anh Bình xin làm việc tại Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam.

Bắt đầu từ một nhân viên, anh không ngừng phấn đấu, rèn luyện để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nên đã được Ban giám đốc tin tưởng bổ nhiệm các chức vụ quan trọng như: Quản lý giám sát, Phó Trưởng phòng Quản lý sản xuất trước thời hạn 1 năm, rồi Trưởng phòng Quản lý sản xuất trước thời hạn 6 tháng theo quy định của công ty.

Được sự tín nhiệm của đoàn viên, anh được bầu làm Chủ tịch Công đoàn công ty từ tháng 4/2015 (công việc bán chuyên trách). Đến tháng 7/2015, Chi bộ Công ty Sumi với 11 đảng viên được thành lập và anh đảm nhiệm chức Bí thư chi bộ. Đến nay, Chi bộ công ty đã kết nạp được 27 đảng viên. 

Anh Đỗ Thanh Bình (thứ 2 từ phải sang) được tặng bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ năm 2017.

Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi hiện có trên 10.300 cán bộ, công nhân lao động, trong đó 90% là đoàn viên công đoàn. Thu nhập bình quân của NLĐ hiện đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng. Với vai trò Chủ tịch Công đoàn, anh Đỗ Thanh Bình đã làm tốt công tác đối thoại và thoả ước lao động tập thể tại cơ sở thông qua việc tổ chức cho đại diện tập thể NLĐ chủ động tham gia với người sử dụng lao động xây dựng quy chế đối thoại, quy chế tổ chức hội nghị NLĐ, tổ chức thương lượng tập thể, ký kết, tổ chức thực hiện và giám sát thoả ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Là Chủ tịch Công đoàn ở một doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% của Nhật Bản, anh nhận thức rõ khó khăn chính là sự khác biệt về văn hóa. Thời điểm mới thành lập chưa có nhiều công ty Nhật Bản tại Hà Nam nên tác phong công nghiệp của NLĐ chưa cao, việc đào tạo gặp nhiều khó khăn và phải khắc phục dần dần. Nếu sự bất đồng ngôn ngữ được xem là rào cản lớn trong thương lượng, trao đổi thì đây lại chính là lợi thế của anh khi có thể giao tiếp cả bằng tiếng Anh và tiếng Nhật như tiếng mẹ đẻ.

Ngoài phương pháp làm việc khoa học, sự hỗ trợ đắc lực của các ủy viên BCH công đoàn và sự phối hợp chặt chẽ với người Việt đứng đầu các bộ phận trong công ty, anh Bình tuyệt đối tuân thủ phương châm hoạt động: "Vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ, BCH Công đoàn phải thương thảo, thương lượng nhưng không làm khó, làm phiền Ban giám đốc, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển, sự tồn tại của công ty, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và NLĐ". Đặc biệt, anh Bình không bao giờ có khái niệm từ bỏ các mục tiêu trong việc thương lượng, đối thoại với chủ sử dụng lao động khi biết rằng quyền lợi của NLĐ là hợp pháp, chính đáng.

"Có những cuộc họp nội bộ, cuộc đối thoại tổ chức đến bốn, năm lần cũng không đạt được sự thống nhất, tôi buộc phải có những cuộc nói chuyện ngoài lề, tránh những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột. Có thể mỗi đề xuất tăng lương, tăng trợ cấp cho NLĐ mất nhiều thời gian song rất mừng là những đề xuất, kiến nghị ấy đều được Ban giám đốc nhất trí thông qua bởi tôi và các ủy viên BCH Công đoàn đã thuyết phục được họ bằng việc cho họ thấy những lợi ích mà công ty nhận được khi họ chấp nhận đề nghị của công đoàn và NLĐ" - anh Bình chia sẻ.

Bằng những việc làm mang ý nghĩa lâu dài đối với doanh nghiệp, với NLĐ như ký kết hợp đồng lao động, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách lao động, tiền lương và các khoản phúc lợi…, anh đã góp phần giúp doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, xây dựng quan hệ hài hòa, giúp đoàn viên, NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Đúc rút kinh nghiệm từ 3 năm đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch công đoàn của một doanh nghiệp, anh Bình khẳng định: Chủ tịch Công đoàn phải thực sự là cầu nối giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ để giải quyết mọi việc hài hòa, công bằng trên tinh thần cả hai bên cùng có lợi vì sự phát triển của công ty và từng cá nhân. Việc đối thoại, thương lượng không chỉ là vấn đề đòi quyền lợi hay công bằng mà còn là quan hệ lâu dài, bền vững, đồng thời việc đó không chỉ có ảnh hưởng trong phạm vi công ty và còn là vấn đề quan hệ ngoại giao giữa hai dân tộc, hai đất nước.

Hải Yến

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.