Quy định mới từ 1/7 về thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất 

Kể từ ngày 1/7/2024, Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất có hiệu lực.

Quy định về thay đổi vị trí giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất 
Trạm quan trắc nước hồ Đá Đen (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh tư liệu, minh họa: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc. Thông tư gồm 5 chương, 17 điều quy định chi tiết việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 51 của Luật Tài nguyên nước.

Thông tư nêu rõ, việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật và có tính kế thừa về quản lý tài sản công, tài chính và tổ chức bộ máy, nhân sự của các tổ chức công lập được giao thực hiện nhiệm vụ; phù hợp với xu thế, yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

Khi di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất phải xem xét lồng ghép tối đa với mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan để đảm bảo kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có.

Vị trí di chuyển, thay đổi phải phù hợp với quy hoạch; đảm bảo tính kết nối, đồng bộ của chuỗi dữ liệu quan trắc; đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu về đối tượng quan trắc phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Tổ chức, cá nhân có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất không còn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phải di chuyển, thay đổi vị trí hoặc giải thể có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về quy trình thực hiện di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất, Thông tư quy định rõ: Đơn vị được giao quản lý vận hành lập báo cáo đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án xử lý trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định phê duyệt chủ trương, báo cáo, kế hoạch di chuyển, thay đổi vị trí hoặc giải thể trạm quan trắc và giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện. Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc theo quyết định được phê duyệt…

Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó: có 405 sông, suối liên tỉnh; 3.045 sông, suối nội tỉnh. Tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 844 tỷ m3 nhưng chủ yếu tập trung vào mùa mưa (từ 3 - 5 tháng), mùa khô (từ 7 - 9 tháng) chỉ chiếm từ 20% đến 30% lượng dòng chảy năm.

Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất trên toàn lãnh thổ khoảng 91 tỷ m3/năm (nước ngọt khoảng 69 tỷ m3/năm, nước mặn khoảng 22 tỷ m3/năm), trữ lượng nước ngọt có thể khai thác khoảng 22 tỷ/năm. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và gia tăng dân số nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào các tháng mùa khô. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu về nước cho các mục đích kinh tế - xã hội và dân sinh sẽ là khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay. 

Tình trạng suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, khan hiếm nước diễn ra ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, vấn đề xâm nhập mặn đang diễn ra ở hầu hết các cửa sông ven biển thuộc lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai và Cửu Long với phạm vi và mức độ khác nhau, trong đó diễn ra gay gắt và ảnh hưởng lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016-2021, mạng lưới trạm quan trắc nước dưới đất thuộc Trung ương quản lý có 412 điểm với 805 công trình. Trong đó, lưu vực sông Hồng – Thái Bình có 87 điểm, 156 công trình (55% so với quy hoạch đến năm 2030 đã phê duyệt), Sê San 41 điểm, 46 công trình (85%), Đồng Nai 51 điểm, 106 công trình (61%), Cửu Long có 49 điểm, 218 công trình (75%). Các lưu vực sông có trạm quan trắc đạt 100% so với quy hoạch đến năm 2030 đã phê duyệt gồm: Lưu vực sông Cả có 43 điểm, 76 công trình; sông Gianh có 6 điểm 9 công trình; sông Thạch Hãn có 10 điểm, 17 công trình; sông Nhật Lệ có 8 điểm, 14 công trình; sông Hương có 9 điểm, 16 công trình và sông Vu Gia – Thu Bồn có 19 điểm, 27 công trình…

Theo baotintuc.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy