UBND tỉnh gặp mặt, đối thoại với đại diện hơn 300 doanh nghiệp

Sáng 25/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại với đại diện hơn 300 doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Minh Hiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Quốc Huy, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, sở, ngành chức năng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự buổi đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Thế Trang

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 4.152 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh có lãi chiếm 32,3%. Từ năm 2017 đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh có 920 doanh nghiệp được thành lập mới. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã thu hút được 159 dự án đầu tư. Trong đó, 73 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất kinh doanh.

Năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 12,9% so với năm 2016; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 78.613,9 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ 024,2 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2017, tổng nộp ngân sách của các doanh nghiệp trên địa bàn đạt gần 4.925 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp nộp ngân sách trên 2.524 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thế Trang

Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thành lập trung tâm hành chính công từ tỉnh đến các huyện, thành phố; chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, vì vậy,  cải thiện chất lượng điều hành, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh. Năm 2017, tỉnh Hà Nam đạt 61,7 điểm, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 7/11 tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới, các đại biểu kiến nghị tiếp tục tạo thuận lợi về đất đai cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động; quan tâm tổ chức hội chợ, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; tăng tính minh bạch, giảm tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức cho doanh nghiêp...

Tại hội nghị đối thoại, đại diện lãnh đạo các doanh nghiêp đánh giá cao môi trường đầu tư, sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Đồng thời, kiến nghị đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước tại Khu Công nghiệp Đồng Văn I, II; xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi như nhà văn hóa, trường học; xem xét chính sách đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù giải phóng mặt bằng; quan tâm quy hoạch các điểm đấu nối giao thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đảm bảo cung cấp điện cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động; đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, điện tại Cụm Công nghiệp Kim Bình; quan tâm, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ...

Các ý kiến kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành trực tiếp giải đáp, làm rõ ngay tại buổi đối thoại. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp tích cực của doanh nghiệp đối với sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư. Duy trì đường dây nóng của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành để giải quyết kịp thời những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thế Trang

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành công khai minh bạch, cập nhật các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của đơn vị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của Hà Nam giai đoạn 2016-2020; Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh.

Về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, tập trung nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động... Ngoài những nội dung kiến nghị của doanh nghiệp đã được giải đáp tại hội nghị lần này, còn một số vấn đề tồn tại, vướng mắc do liên quan đến chính sách, tỉnh sẽ có văn bản gửi các sở, ngành liên quan để trả lời doanh nghiệp trong đầu tháng 7 tới.

Cũng trong buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông đã giải đáp cụ thể toàn bộ kiến nghị của doanh nghiệp đã phản ánh trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 về các lĩnh vực: Giao thông vận tải, thuế, cung cấp điện, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, vấn đề thanh, kiểm tra doanh nghiệp... Đồng chí nhấn mạnh, chính sự trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn của doanh nghiệp tại các buổi đối thoại sẽ giúp tỉnh nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để có hướng giải quyết, đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự phát triển.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.