Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biến ruộng trũng thành lợi thế... Thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) phát triển khá mạnh. Trong đó, với sự ra đời của mô hình Tổ hợp tác (THT) nuôi trồng thủy sản đã mở ra hướng đi mới cho các hộ dân trên địa bàn; hình thành nên mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về con giống, nguồn vốn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh.
Năm 2005, từ những diện tích được phép chuyển đổi, nhiều hộ dân ở xã Tượng Lĩnh đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích khoảng 61,38ha. Trước đây, đa phần các hộ dân đều thả cá theo cách truyền thống. Cùng với đó, thị trường đầu ra không ổn định do lối suy nghĩ “mạnh ai người nấy làm”, mỗi hộ đều tự lựa chọn con giống nuôi, chưa có sự thống nhất ở mỗi vụ nên giá trị kinh tế không cao.
Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tượng Lĩnh cho biết: Trước những hạn chế, khó khăn trong nuôi trồng thủy sản ở địa phương; đồng thời, qua tiếp thu các mô hình sản xuất mới, Hội Nông dân xã nhận thấy những lợi ích thiết thực của THT nuôi trồng thủy sản có thể áp dụng vào thực tế sản xuất nên với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, tháng 3/2022 hội đã có chủ trương và họp bàn, thống nhất thành lập THT nuôi trồng thủy sản xã Tượng Lĩnh. Từ 16 thành viên ban đầu, đến nay THT đã thu hút được 36 hộ trên địa bàn tham gia với mục đích chủ yếu liên kết kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn vay và bao tiêu sản phẩm. Mỗi hộ có quy mô từ 5 sào đến trên 1ha, trung bình mỗi vụ cho thu hoạch hàng chục tấn cá thương phẩm.
Là thành viên của THT từ những ngày đầu mới thành lập, chị Nguyễn Thị Hoài, thôn Quang Thừa cho biết: Tôi bắt đầu nuôi thủy sản từ năm 2002. Ban đầu tôi nuôi thử nghiệm trên 5 sào đất ruộng của gia đình. Một thời gian sau, thấy được hiệu quả rõ rệt, tôi đã thuê, thầu thêm đất nông nghiệp, cải tạo thành 3 ao gồm 2 ao nuôi cá giống và 1 ao nuôi cá thương phẩm, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình lên hơn 1ha. Với vốn đầu tư có hạn, tôi tập trung nuôi những loại cá truyền thống, như: trắm, trôi, mè, chép... nhưng vẫn cho thu nhập ổn định. Nhìn chung, việc chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi cá thương phẩm đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch và xuất bán ra thị trường từ 22 – 25 tấn cá thành phẩm, sau khi trừ các khoản chi phí đã mang lại thu nhập khoảng 350 triệu đồng.
Từ khi tham gia THT, chị Hoài cùng các thành viên có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, góp phần không nhỏ trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Để bảo đảm được nguồn giống tốt, chất lượng, hằng năm, THT đã chủ động tìm kiếm, kết nối với các đơn vị cung ứng giống có uy tín, chọn lựa được con giống phù hợp; các hộ nuôi trồng thuỷ sản lên kế hoạch thực hiện lịch thả cá, phân loại cá giống, thống nhất thời điểm thu hoạch, tìm đầu ra phù hợp tránh tình trạng bị thương lái ép giá…
Đồng hành cùng các thành viên, Hội Nông dân xã và THT luôn bám sát các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp các thành viên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế với quy mô lớn. Trong 3 năm qua, Hội Nông dân xã đã nhận uỷ thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ 21 hộ thành viên vay với dư nợ 1,7 tỷ đồng thực hiện cải tạo ao cá, mở rộng quy mô nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó, để trang bị kiến thức cho các thành viên biết áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, THT đã tổ chức 3 lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản và quản lý, sử dụng vốn vay; đồng thời, tổ chức cho các thành viên đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình tiêu biểu. Những hoạt động này có ý nghĩa thiết thực làm phong phú nội dung sinh hoạt của tổ, giúp các thành viên có cơ hội để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế.
Cùng với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, THT còn quyên góp xây dựng quỹ với số tiền 150 triệu đồng cho 3 hộ thành viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lãi trong 3 năm để đầu tư sản xuất. Đến nay, cả 3 hộ đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Thời gian tới, các thành viên của THT nuôi trồng thủy sản xã Tượng Lĩnh tiếp tục thực hiện liên kết trong lựa chọn con giống, cùng thực hiện quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở những thời điểm nhất định. THT sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối để giúp các hộ dân có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi trồng thuỷ sản; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... để các mô hình nuôi trồng thuỷ sản tại đây sẽ tiếp tục cho hiệu quả cao và phát triển bền vững hơn.
Bùi Linh