Thiếu nguồn nguyên liệu dưa chuột cho chế biến xuất khẩu

Cây dưa chuột trồng trong vụ đông là nguồn nguyên liệu chính của các nhà máy chế biến để xuất khẩu. Tuy nhiên, đợt mưa lũ vừa qua làm phần lớn diện tích cây dưa chuột bị chết. Thiếu nguyên liệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các đơn hàng đã được ký kết.

Xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) được coi là một trong những địa phương chính cung cấp nguồn nguyên liệu dưa chuột xuất khẩu cho các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh với sản lượng khoảng 3 nghìn tấn/năm. Vụ đông 2017 - 2018, người dân Nhân Nghĩa đã trồng gần 30 ha trên tổng số hơn 50 ha dưa chuột theo kế hoạch.

Tuy nhiên, đợt mưa úng vừa qua  gần như toàn bộ diện tích dưa chuột của xã đã bị chết. Được biết, hiện nay người dân Nhân Nghĩa đã chuẩn bị hạt giống chờ nước rút để gieo trồng lại. Mặc dù vậy, khả năng bù lại toàn bộ diện tích trồng ban đầu và hoàn thành kế hoạch là rất khó. Không những vậy, do dưa chuột là cây ưa ấm, khi trồng muộn năng suất không cao.

Ông Đinh Viết Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Nghĩa cho biết: HTX đã tích cực tiêu úng để người dân gieo trồng lại cây vụ đông nói chung và cây dưa chuột xuất khẩu nói riêng. Nhưng với tình hình hiện nay chắc chắn cây dưa chuột sẽ không đạt được cả về diện tích và sản lượng như mong muốn.

Toàn bộ diện tích dưa chuột bị hỏng do mưa úng vừa qua. (Trong ảnh: Diện tích dưa chuột chuẩn bị cho thu hoạch tại xã Nhật Tân, Kim Bảng bị chết do úng nước). Ảnh: Kim Chi

Cũng như Nhân Nghĩa, toàn bộ diện tích trồng dưa chuột xuất khẩu ở các địa phương trong tỉnh hiện nay đều bị thiệt hại do mưa úng. Tại Kim Bảng, do thu hoạch lúa mùa và triển khai sản xuất vụ đông sớm nên toàn huyện đã trồng được 350 ha dưa chuột xuất khẩu, trong đó có 14 ha chuẩn bị cho thu hoạch. Sau nhiều ngày bị ngâm trong nước toàn bộ diện tích dưa đều bị hỏng, kể cả những ruộng ở chân cao, người dân đã tích cực bơm tiêu. HTX Đồng Hóa (Kim Bảng) thiệt hại khoảng 40 ha cây dưa chuột xuất khẩu mới trồng. Như vậy, Đồng Hóa không thể thực hiện sản lượng dưa theo hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp về thu mua. Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng cho biết: Huyện đang tích cực chỉ đạo các địa phương ngay khi nước rút tranh thủ gieo trồng lại. Với cây dưa chuột có thể vào bầu và đưa ra ruộng khoảng cuối tháng vẫn có thể bảo đảm.

Nhìn lại quá trình sản xuất, ảnh hưởng mưa úng của vụ đông năm nay tương tự như năm 2008. Khi ấy, mưa ngập phần lớn diện tích cây vụ đông, trong đó có dưa chuột xuất khẩu. Sau đó, nhiều địa phương đã tổ chức trồng lại. Khi đó, cây dưa vẫn sinh trưởng, phát triển khá tốt, cho năng suất cao. Diện tích dưa, người dân khôi phục và trồng lại ít nên giá dưa cao, chất lượng được nới rộng. Bình quân mỗi sào dưa chuột xuất khẩu cho giá trị hơn 10  triệu đồng, gấp 1,5  - 2 lần bình thường.

Cây dưa chuột bị thiệt hại do mưa úng cũng đang là nỗi lo của các doanh nghiệp về thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Trong khi đó, đơn hàng đã được ký kết với đối tác cả về số lượng và giá cả. Như Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn, xã Chân Lý (Lý Nhân) cần số lượng nguyên liệu dưa khoảng 1.000 tấn để chế biến xuất khẩu. Đầu vụ, doanh nghiệp đã ứng trước hạt giống cấp cho người dân thông qua các đại lý, với diện tích gieo trồng 20 ha, chủ yếu trên địa bàn huyện Lý Nhân. Sau mưa úng, qua kiểm tra toàn bộ diện tích dưa chuột đã trồng ở các vùng sản xuất đều bị thiệt hại. Để có nguyên liệu cho chế biến thực hiện đơn hàng đã ký kết, Doanh nghiệp Huynh Tuấn đang tiếp tục nhập hạt giống về cấp cho nông dân gieo trồng lại.

Theo ông Lương Văn Tuấn, chủ Doanh nghiệp Huynh Tuấn, thiệt hại do thiên tai là bất khả kháng, doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ lượng hạt giống dưa trồng lại cho bà con. Doanh nghiệp rất mong có được nguồn nguyên liệu để thực hiện  tối đa hợp đồng đã ký kết. Chúng tôi đang tính toán thương lượng lại với đối tác về giá cả, số lượng hàng trong điều kiện sản xuất khó khăn của vụ đông năm nay.

Sản xuất vụ đông nói chung, cây dưa chuột xuất khẩu nói riêng đóng vai trò rất quan trọng giúp nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Đây còn là nguồn thu nhập chính cho người dân những tháng cuối năm. Do vậy, cần khôi phục nhanh sản xuất sau khi nước rút để bù vào diện tích đã mất. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, các cây trồng ưa ấm, trong đó có cây dưa chuột xuất khẩu có thể trồng kéo dài đến cuối tháng 10. Cùng với đó, người dân cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ dịch hại giúp cây dưa chuột xuất khẩu sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao nhất có thể.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy