Sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay hướng đến những sản phẩm hàng hóa, tập trung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Vì thế, công tác xúc tiến thương mại, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã và đang được ngành chức năng và các địa phương đặc biệt quan tâm.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, xã Chân Lý (Lý Nhân) là một trong những địa phương làm tốt công tác xúc tiến thương mại, do đó, diện tích cây trồng hàng hóa được duy trì và ổn định trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong vụ đông. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, trong vụ đông năm nay, diện tích sản xuất dưa chuột xuất khẩu của xã Chân Lý đạt đến 100 ha, được trồng ở cả 3 HTX Nông nghiệp (Tân Lý, Chân Lý và Hồng Lý). Tại xã hiện có 3 doanh nghiệp, cơ sở chế biến dưa chuột đóng lọ xuất khẩu.
Nhiều năm nay, để tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho bà con nông dân, UBND xã Chân Lý luôn duy trì tổ chức gặp gỡ các chủ doanh nghiệp chế biến nông sản nắm bắt nhu cầu nguyên liệu; tăng cường liên kết “ba nhà”; các doanh nghiệp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất qua việc ứng trước một phần kinh phí mua giống, vật tư cho người dân và ký hợp đồng thu mua sản phẩm dưa chuột; người nông dân tổ chức sản xuất bảo đảm đúng quy trình, cung ứng cho doanh nghiệp sản phẩm đạt chất lượng và sản lượng theo cam kết... Từ hoạt động xúc tiến thương mại của địa phương, việc tiêu thụ sản phẩm dưa chuột của người dân được bảo đảm. Giá bán sản phẩm luôn ổn định ở mức cao không phụ thuộc vào thị trường tự do, bình quân đạt 8 – 10 triệu đồng/sào. Có nhiều hộ sản xuất trong xã thu được trên 70 triệu đồng/vụ sản xuất dưa chuột khi liên kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Theo ông Vũ Anh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý, việc địa phương thực hiện xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa giúp mở rộng được diện tích sản xuất. Có được hợp đồng với doanh nghiệp người dân tập trung sản xuất bảo đảm về năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, công tác xúc tiến thương mại luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương ở huyện Kim Bảng quan tâm và xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sản xuất. Vì vậy, diện tích cây xuất khẩu được trồng trên địa bàn huyện đã đạt 1.170 ha, chiếm gần 60% tổng diện tích vụ đông. Riêng cây dưa chuột xuất khẩu duy trì diện tích sản xuất hơn 400 ha, trở thành loại cây trồng chủ lực của mùa vụ. Bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng cho biết: Phòng tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả xúc tiến thương mai cho sản phẩm hàng hóa vụ đông. HTXDVNN được giao nhiệm vụ điều hành, duy trì ổn định giá cả thị trường, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán của các tổ chức, cá nhân không ký hợp đồng.
Được biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho nông sản thông qua các hoạt động tại hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm tại tỉnh, trong khu vực và toàn quốc. Trong năm 2023 ngành đã tổ chức “Hội chợ Giới thiệu nông sản, đặc sản an toàn và các sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam” tại Hà Nội với sự tham gia của 24 cơ sở, HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với nhiều sản phẩm, như: Cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, ổi lê, các sản phẩm sữa chế biến, bánh đa Kiện Khê, đông trùng hạ thảo, tỏi đen… Tại hội chợ các đơn vị, cơ sở tham gia đã bán được bình quân 80 – 90% lượng hàng hóa đưa đến, giá bán cao hơn từ 15 – 20% so với bên ngoài. Đã có cơ sở, doanh nghiệp ký hợp đồng với đầu mối tiêu thụ sản phẩm uy tín, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm. Như Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc (xã Mộc Bắc – thị xã Duy Tiên) đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sữa chế biến vào hệ thống siêu thị Vinmart, kết nối hướng đến đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Go… Ông Nguyễn Văn Can, Giám đốc Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc chia sẻ: Hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm giúp rất nhiều cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường, người tiêu dùng. Công ty đã được tham gia nhiều hội chợ do ngành nông nghiệp tổ chức cả trong và ngoài tỉnh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm theo đó được mở rộng. Hiện toàn bộ sản phẩm chế biến từ sữa bò tươi được nuôi tại trang trại của công ty đều tiêu thụ hết không bị tồn đọng.
Năm 2023, ngành NN&PTNT cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tham gia hơn 50 gian hàng, trưng bày, giới thiệu trên 100 loại nông sản ở nhiều tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang… Tại chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản của tỉnh được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN & PTNT) đã đưa nhiều nông sản chế biến của tỉnh vào trưng bày, giới thiệu…
Ông Đặng Phan Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại. Nhiều sản phẩm tìm được thị trường tiêu thụ ổn định qua các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, từ đó giúp mở rộng sản xuất, kinh doanh… Tới đây, ngành sẽ tiếp tục rà soát các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có nhu cầu phát triển thị trường, để hỗ trợ đưa sản phẩm tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rộng rãi ra thị trường trong và ngoài tỉnh thúc đẩy sản xuất phát triển hơn nữa.
Mạnh Hùng