Thuốc lá điện tử có chứa chất nicotine là chất gây nghiện, gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… Mặc dù vậy, sản phẩm này vẫn đang được bày bán tràn lan trên thị trường và trở thành mối lo ngại của nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên. Trước thực tế này, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử hay còn gọi là vape, vaporizer hay shisha... là những thiết bị mô phỏng chức năng của thuốc lá truyền thống, bằng cách tạo ra làn hơi có chứa nicotine với nhiều hương vị khác nhau nhằm hấp dẫn người dùng. Để “qua mắt” giáo viên, phụ huynh và thu hút học sinh sử dụng, thuốc lá điện tử được thiết kế bắt mắt dưới nhiều hình thức đa dạng, giống với các thiết bị, đồ dùng học tập của học sinh như cây bút, thỏi son, usb… và được bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng (tùy loại). Các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước nhưng việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet và khu vực vỉa hè quanh các trường học trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung nhiều nhất tại thành phố Phủ Lý.
Trước thực tế trên, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT quản lý địa bàn các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với lực lượng công an địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá điện tử đối với sức khỏe, đời sống sinh hoạt, học tập của học sinh, sinh viên. Cùng với đó, tổ chức cho 100% các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh mặt hàng cấm, trong đó có thuốc lá điện tử. Các đội QLTT cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, xây dựng phương án, chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá điện tử… Tính riêng từ tháng 12/2022 đến nay, lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 3 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử, xử phạt hành chính 30 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời tịch thu trên 1.300 đơn vị hàng hóa là thuốc lá điện tử với trị giá hàng hóa vi phạm là gần 86 triệu đồng.
Điển hình mới đây, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra 23 thùng các tông của 2 cá nhân tập kết bán hàng tại vỉa hè trên Đường Trường Chinh (thành phố Phủ Lý). Qua quá trình kiểm tra đã phát hiện trên 1.000 hộp thuốc lá điện tử là hàng hoá nhập lậu, trị giá tang vật vi phạm hành chính theo giá niêm yết trên từng sản phẩm là 39,3 triệu đồng. Đội QLTT số 3 đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cá nhân vi phạm với tổng số tiền 13 triệu đồng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Tăng cường quản lý thuốc lá điện tử cũng như kinh doanh thuốc lá trái quy định, hằng năm, Cục QLTT tỉnh đều xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc cử cán bộ bám sát cơ sở, trực tiếp quản lý địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới các cơ sở, hộ kinh doanh những quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại cũng như tác hại của thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do mặt hàng này không nằm trong danh mục cấm nhưng cũng chưa được xác định là sản phẩm thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá định nghĩa thuốc lá theo hướng mở, tức là bao gồm thuốc lá truyền thống được làm từ cây thuốc lá. Ngoài ra, khái niệm thuốc lá trong luật cũng bao gồm các nguyên liệu thay thế khác và được chế biến dưới dạng khác. Tuy nhiên, hiện nay chưa rõ cụm từ “nguyên liệu thay thế khác” có bao gồm các loại thuốc lá thế hệ mới, trong đó có thuốc lá điện tử hay không.
Như vậy, theo lý giải của Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay do chưa có nhiều chế tài xử phạt áp dụng riêng cho sản phẩm thuốc lá điện tử nên để kiếm lợi nhuận cao, nhiều tổ chức, cá nhân đã bất chấp sai phạm để nhập lậu mặt hàng này và rao bán rộng rãi, trong đó tập trung hướng đến đối tượng là học sinh. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào chính sách quản lý thuốc lá hiện hành là chưa đủ sức răn đe. Hiện, các đối tượng kinh doanh chỉ bị xử lý vi phạm hành chính ở hành vi về kinh doanh hàng hóa nhập lậu hoặc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vì không đủ căn cứ pháp lý để áp dụng chế tài về xử lý hàng cấm như thuốc lá điếu nhập lậu.
Xác định rõ những khó khăn này, trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu và thuốc lá điện tử theo quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an tỉnh rà soát, trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý. Song song với việc kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục cũng đã chỉ đạo các đội QLTT đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về tác hại của thuốc lá điện tử, đồng thời ngăn ngừa ma túy núp bóng thuốc lá điện tử để xâm nhập học đường, gây nguy hại đến sức khoẻ của cộng đồng.
Nguyễn Oanh