kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa

Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… đang ngày càng diễn ra phổ biến và là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Để bảo đảm quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm. 

Theo quy định, các mặt hàng buộc phải thực hiện tiêu hủy là hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng, hàng hóa nhập khẩu đã qua sử dụng và một số mặt hàng nhập lậu, như: mỹ phẩm, túi xách, quần áo… Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành chức năng như Sở Tài chính, Công an tỉnh… tiến hành 2 đợt tiêu hủy hàng hóa vi phạm bị tịch thu với tổng trị giá gần 80 triệu đồng. Các sản phẩm bị tiêu hủy chủ yếu là thuốc lá, đồng hồ giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng, pháo điện, súng nhựa đồ chơi, điện thoại di động nhập khẩu đã qua sử dụng, giày dép không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường hàng hóa
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, tịch thu mặt hàng khẩu trang không rõ nguồn gốc.

Trao đổi về nội dung này, ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Việc thực hiện tiêu hủy hàng hóa vi phạm bị tịch thu có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Theo từng chủng loại hàng hóa, Hội đồng tiêu hủy sẽ lựa chọn hình thức tiêu hủy phù hợp. Trong đó, phổ biến nhất là hình thức đào hố để chôn lấp hàng hóa. Đối với nhóm mặt hàng rượu, phụ kiện, thiết bị gia dụng, lực lượng chức năng sẽ tiến hành đập vụn, làm biến dạng trước khi cho vào đốt cùng với các nhóm mặt hàng khác để bảo đảm việc tiêu hủy được triệt để. Dưới sự giám sát của các thành viên Hội đồng tiêu hủy, các đơn vị liên quan và nhân dân, toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu được tiêu hủy theo đúng quy trình, quy định, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 3 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng… Hiện nay, trong kho chứa hàng hóa vi phạm bị tịch thu của Cục QLTT tỉnh còn số lượng khá lớn các sản phẩm thuộc diện tiêu hủy với trị giá hàng hóa khoảng 156 triệu đồng, bao gồm giày dép giả nhãn hiệu của các thương hiệu Nike, Adidas, Gucci; đồ điện tử nhập khẩu đã qua sử dụng; mỹ phẩm, hàng thời trang nhập lậu… Hiện, Cục QLTT tỉnh đã xây dựng phương án tiêu hủy gửi Tổng cục QLTT phê duyệt. 

Theo ông Đinh Văn Dương, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, việc xử lý, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa tang vật là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đối với lực lượng QLTT hiện nay vẫn gặp không ít khó khăn. Bởi, công tác tiêu hủy không thể thực hiện thường xuyên theo phương thức thu giữ đến đâu, xử lý đến đó.

Theo quy định, trước khi tiến hành tiêu hủy hàng hóa vi phạm, Cục QLTT tỉnh phải xây dựng phương án tiêu hủy gửi lên Tổng cục QLTT phê duyệt; sau đó thành lập hội đồng tiêu hủy và tiến hành xử lý. Trong thời gian chờ Tổng cục QLTT duyệt phương án, hàng hóa sẽ được cất giữ tại kho chứa tang vật với diện tích rất hạn chế. Đặc biệt, với các mặt hàng là thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh, lực lượng chức năng không có thiết bị để bảo quản trong thời gian chờ tiêu hủy. Bên cạnh đó, việc tìm địa điểm để tiêu hủy hàng hóa cũng gặp khó khăn, nhất là với những mặt hàng có số lượng hàng vi phạm lớn cần phải tiêu hủy ngay như các loại thực phẩm bẩn gồm nội tạng động vật, chân gà, bì lợn… Những mặt hàng này nếu không được xử lý ngay sẽ bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường. Đã có nhiều đợt tiêu hủy, Cục QLTT tỉnh phải thuê máy lu để nghiền nát sản phẩm hay thuê các đơn vị chuyên xử lý rác thải tiến hành xử lý, chôn lấp. Trong khi đó, trang biết bị, máy móc và nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tiêu hủy còn rất hạn chế. Toàn bộ số hàng hóa được cục tiến hành tiêu hủy chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công như dùng kéo cắt vỏ bao bì, chọc thủng, chôn lấp và phun hóa chất tiêu độc, khử trùng.

Theo số liệu của Cục QLTT tỉnh, dù lượng hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa phải là lớn nhưng cũng cho thấy vấn nạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu vẫn diễn ra phổ biến. Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT làm tốt công tác quản lý địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào hàng hóa tiêu dùng và lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Qua đó, góp phần bảo đảm chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy