Sau Tết, giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống tăng cao

Theo đánh giá của Sở Công thương, tình hình cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tương đối ổn định. Riêng đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm tươi sống, giá bán tăng khá cao so với thời điểm trước và trong những ngày Tết.

Các quầy  bán rau xanh thu hút đông khách đến mua hàng những ngày đầu năm.

Qua khảo sát thị trường cho thấy, hầu hết các siêu thị, cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại phục vụ kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày mồng 2 đến ngày mồng 6 Tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Sau Tết, các mặt hàng được bày bán khá đa dạng, nhiều nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa quả, bánh kẹo và các sản phẩm phục vụ người dân đi lễ chùa và du xuân. Theo đánh giá của ngành chức năng, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tết tăng cao so với những tháng trước, riêng trong những ngày đầu năm mới Canh Tý 2020, sức mua tăng mạnh hơn đối với nhóm hàng thủy, hải sản, rau xanh, hoa tươi… Theo đó, giá bán đối với những mặt hàng này cũng tăng khá cao, từ 10 đến 40% so với thời điểm trước Tết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Hằng năm, Sở Công thương đều xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động, chương trình bình ổn giá dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Năm nay, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT của Bộ Công thương và Công văn số 09/UBND-TH ngày 3/1/2020 của UBND tỉnh, Sở Công thương đã triển khai hiệu quả các hoạt động chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Kết quả, lượng hàng hóa dự trữ tăng 10% so với năm trước, bảo đảm cung ứng kịp thời cho thị trường không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng.

Do người dân thành phố ngày càng có xu hướng mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị nên từ trước Tết Nguyên đán, Sở Công thương đã vận động, khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường. Cùng với đó, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, nhất là về lĩnh vực giá, chất lượng sản phẩm, vấn đề về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng… nên sau Tết, giá bán nhiều mặt hàng vẫn giữ tương đối ổn định, không có nhiều biến động. Còn tại các khu vực chợ, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên giá bán rau xanh, thực phẩm tươi sống như tôm, cá tăng khá cao trong những ngày đầu năm mới. Bà Lại Thị Oanh, một tiểu thương tại chợ phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) cho biết: Đã hơn chục năm nay, năm nào tôi cũng mở hàng vào ngày mồng 2 Tết. So với mọi năm, mặt hàng rau xanh sau Tết năm nay khan hiếm hơn nên giá bán cũng cao hơn. Nhiều loại rau được nhập bán với giá gấp đôi ngày thường mà lượng tiêu thụ vẫn cao, nhất là trong những ngày từ mồng 2 đến mồng 4 Tết. Sau đó, giá bán đã có sự giảm nhẹ.

Nhìn chung, giá cả các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, mứt Tết, rượu bia… vẫn giữ ở mức ổn định. Thịt lợn tăng giá nhẹ với 130-135 nghìn đồng/kg; thịt gà ta có giá bán tương đối ổn định là 120-130 nghìn đồng/kg; thịt bò có giá bán 270-280 nghìn đồng/kg, tăng 30-40 nghìn đồng/kg; cá trắm, cá chép được bán với giá 80-100 nghìn đồng/kg (tùy khối lượng con), tăng 20-30 nghìn đồng/kg… so với trong Tết. Các loại rau, củ như: mồng tơi, bắp cải, su hào, rau cần, cà chua… có giá bán tăng xấp xỉ 40% so với những ngày trong năm. Một số loại rau gia vị tăng giá nhẹ, từ 5-10%. Mặc dù giá bán nhiều mặt hàng tăng khá cao nhưng hoạt động mua bán diễn ra sôi động. Các sạp hàng rau, củ quả thu hút đông khách đến mua sắm. Theo một số tiểu thương tại chợ Bầu (thành phố Phủ Lý), sau Tết, do nguồn cung hàng hóa hạn chế, cộng với việc người bán trong những ngày đầu năm cũng chưa nhiều nên giá bán một số mặt hàng có sự tăng lên đáng kể. Bên cạnh sản phẩm rau xanh, thực phẩm tươi sống, mặt hàng hoa, quả tươi cũng có sức tiêu thụ lớn trong dịp đầu năm. Hiện, giá bán hầu hết các loại quả nhích hơn khoảng 10% so với trước Tết.

Trong những ngày này, ngành công thương đang tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã và các ngành chức năng, nhất là Cục Quản lý thị trường tỉnh theo dõi tình hình thị trường. Đặc biệt, quan tâm đến diễn biến cung - cầu, giá cả các loại sản phẩm thiết yếu để thị trường hàng hóa diễn ra ổn định, lành mạnh. Cùng với đó, tích cực kiểm tra, đấu tranh chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân.  

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy