Quan tâm xây dựng văn minh thương mại

Hình thành nếp văn minh thương mại ở các chợ có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa tại các xã, thị trấn. Tuy nhiên, với nhiều tiểu thương tại các chợ, “văn minh thương mại” dường như vẫn còn là khái niệm xa lạ, chưa được nhìn nhận và quan tâm đúng mức.

Phiên chợ Đại, xã Nhật Tựu (Kim Bảng). Ảnh: Lương Thế

Nhiều hình ảnh thiếu văn minh tại các chợ

Có mặt tại chợ Thi Sơn (xã Thi Sơn, Kim Bảng) vào lúc 17 giờ mỗi ngày, chắc hẳn ai cũng nhận thấy rõ, chợ thu hút rất đông người đến tham quan, mua sắm. Điều đáng nói là, dù có bãi trông xe, xung quanh chợ cũng có vài điểm nhận trông xe nhưng hầu hết người mua lại không muốn gửi. Tình trạng xe đi, dừng đỗ ngổn ngang dẫn đến cảnh chen chúc, chật chội các lối đi. 

Được biết, trước tình hình các tiểu thương tự ý mở quầy buôn bán ở lòng đường, vỉa hè xung quanh chợ, Ban Quản lý chợ Thi Sơn cũng đã nhiều lần nhắc nhở và thường xuyên “dẹp đường” vào các giờ cao điểm nhưng do ý thức của tiểu thương và người mua hàng chưa cao nên tình trạng này chưa khắc phục được.

Không chỉ ở các chợ vùng nông thôn, ngay tại chợ Bầu (thành phố Phủ Lý), nhiều khách hàng cũng ngán ngẩm chia sẻ rằng, họ thấy rất khó chịu vì thường xuyên bị “đốt vía” khi mua hàng. Khi đi chợ, nhất là vào buổi sáng, nếu khách hàng nào “lỡ” chỉ xem hàng, hỏi giá mà không mua thì ngay lập tức sẽ bị người bán chửi bới với lời lẽ vô cùng thô tục. Bên cạnh đó, tình trạng gian lận trong cân đong hàng hóa vẫn diễn ra phổ biến.

Bà Trần Thị Thảo, phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) cho biết: Hàng hóa được bày bán ở chợ Bầu rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, tôi rất ít khi mua sắm ở chợ này vì nhiều quầy hàng “hô” giá cao gấp đôi, gấp ba lần so với giá thực tế khiến người mua không biết trả giá ra sao. Trả thấp quá người ta chửi mà trả cao thì sợ mình bị mua “hớ”.

Không chỉ là địa điểm buôn bán thuận tiện, quen thuộc với người dân, chợ truyền thống còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ tại các địa phương. Ngoài cơ sở hạ tầng, cách bố trí, sắp xếp các gian hàng, văn minh thương mại tại các chợ còn được thể hiện ở nhiều nội dung như lời cảm ơn, nụ cười vui vẻ của người bán dành cho khách hàng; bán hàng đúng giá, đúng chủng loại, bảo đảm vệ sinh môi trường, chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm...

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương 

Chợ Phủ, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) là địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng.

Xây dựng văn minh thương mại - Nhìn từ chợ Phủ

“Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” là nhận xét của rất nhiều người dân về chợ Phủ, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) những năm gần đây. Theo ông Nguyễn Viết Thành, Trưởng ban Quản lý chợ Phủ, chợ Phủ được đầu tư xây mới khang trang từ hơn chục năm nay với hệ thống thoát nước, khu vực nhà vệ sinh, bãi trông giữ xe… đầy đủ, bảo đảm vệ sinh môi trường. Các ki ốt, các khu bán đồ khô, đồ gia dụng, mỹ phẩm, đồ ăn nhanh, thực phẩm tươi sống… được bố trí riêng biệt thành từng khu một cách hợp lý, tạo thuận lợi nhất cho người mua. Công tác vệ sinh môi trường được các hộ kinh doanh tự giác quét dọn, thu gom ngay sau mỗi phiên chợ.

Bình Lục hiện có 14 chợ tại các xã, thị trấn. Trong đó, có 4 chợ được đầu tư xây mới theo hướng văn minh, hiện đại. Để từng bước xây dựng văn minh thương mại tại các chợ, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm việc niêm yết giá, nhãn hiệu hàng hóa. Nhờ đó, tại nhiều chợ nông thôn trên địa bàn huyện không còn tình trạng gian lận trong việc cân đong hàng hoá, giúp người dân yên tâm khi mua hàng.

Ông Nguyễn Đức Tỉnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Lục 

Được biết, ở chợ Phủ, việc thực hiện văn minh thương mại chủ yếu được tuyên truyền qua đài truyền thanh của địa phương để nhắc nhở người bán, người mua cùng có thái độ hài hòa, vui vẻ khi mua bán hàng hóa. Hiện, chợ đang có khoảng 300 hộ kinh doanh đầy đủ các mặt hàng.

Thời gian qua, phần lớn các tiểu thương trong chợ phục vụ khách hàng khá tốt, gần như không còn tình trạng nói thách giá, cân thiếu, bán không đúng chủng loại... như nhiều năm về trước. Mỗi năm, Ban Quản lý chợ ghi nhận vài trường hợp khách hàng phản ánh việc cân thiếu. Tuy nhiên, điều này chủ yếu xảy ra với trường hợp những người kinh doanh lưu động, không cố định. Và đối với những trường hợp này, đều được Ban Quản lý chợ nhắc nhở kịp thời, đem đến sự hài lòng cho khách hàng.

Qua khảo sát cho thấy, tại rất nhiều quầy hàng trong chợ Phủ như: quần áo, đồ gia dụng, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm… đều đã thực hiện treo bảng niêm yết giá. Khách hàng có thể tham quan, khảo giá, kiểm tra đồ rất thoải mái. Ngay cả khi không mua hàng, các chủ quầy vẫn vui vẻ sắp xếp lại đồ mà không tỏ thái độ khó chịu hay chửi bới người mua.

Chị Nguyễn Thị Gái, chủ một quầy tạp hóa ở chợ Phủ cho biết: Tôi bán hàng tại chợ đã hơn chục năm nay. Trong khi nhiều chợ truyền thống đang gặp khó khăn do các cửa hàng bán lẻ “mọc” lên ngày càng nhiều ngay tại các địa bàn dân cư thì chợ Phủ vẫn thu hút khá đông khách hàng đến mua sắm. Để “giữ chân” khách hàng, chúng tôi luôn xác định rõ, phải bảo đảm được “3 tốt” trong kinh doanh, đó là giá bán tốt, chất lượng hàng hóa tốt và thái độ phục vụ tốt.

Có thể thấy, khi hệ thống các siêu thị, cửa hàng bách hóa phát triển mạnh với phong cách phục vụ chuyên nghiệp đã khiến cho “sức hút” của các chợ truyền thống giảm dần. Vì vậy, để chợ truyền thống phát triển, phù hợp với xã hội hiện đại, việc xây dựng văn minh thương mại là điều hết sức cần thiết. Để làm được việc này, ngoài sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng, rất cần ý thức tuân thủ quy định của người dân, tiểu thương buôn bán tại các chợ.

Hân Hân

Nguyễn Oanh, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy