Mưa lớn kéo dài cộng với mức lương cơ sở tăng cao từ đầu tháng 7 đã tác động, khiến một số mặt hàng thực phẩm, rau củ tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Phủ Lý tăng giá bán, có loại tăng gấp đôi so với trước. Điều này ảnh hưởng đến đời sống, kế hoạch chi tiêu hằng tháng của nhiều gia đình, nhất là lao động có thu nhập trung bình, thấp.
Khoảng một tháng nay, tại chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Phủ Lý, các loại rau, củ đều tăng giá bán với mức dao động từ 10-60% (tùy loại), trong đó, tăng mạnh nhất là rau mồng tơi, rau cải, rau ngót, rau muống, cà chua… Cụ thể, rau mồng tơi hiện có giá bán 7.000 -10.000 đồng/mớ, tùy ngày (tăng 2.000 - 5.000 đồng); rau ngót có giá 5.000 -6.000 đồng (tăng 2.000 -3.000 đồng); rau muống ngọt có giá 10.000 đồng/mớ (tăng 4.000 đồng); cà chua có giá 25.000 -30.000 đồng/kg (tăng 5.000 -10.000 đồng); các loại rau gia vị, xà lách, củ, quả (bí xanh, mướp, khoai tây) có giá bán tăng 10-20%. Ngoài ra, trứng gà, trứng vịt, thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt gà, cua, cá, lươn, ốc…) cũng có giá bán tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với một tháng trước.
Theo phản ánh của người tiêu dùng, không chỉ giá bán tăng, do nguồn cung nhiều mặt hàng rau xanh thiếu nên tại một số điểm bán, trọng lượng mỗi mớ rau xanh như mồng tơi, rau muống… cũng giảm đi đáng kể so với trước.
Việc rau xanh, thực phẩm tăng giá bán đã khiến đời sống người dân, nhất là công nhân, lao động tự do gặp nhiều khó khăn khi phải cân đối số tiền đi chợ mỗi ngày để không quá ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu hằng tháng.
Có mặt tại chợ phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) để mua thực phẩm cải thiện bữa cơm gia đình vào dịp cuối tuần, chị Trần Thị Thu (Tổ 1, phường Lê Hồng Phong) cho biết: Tôi thường xuyên đi chợ để mua đồ ăn hằng ngày cho gia đình nên tôi nhận thấy giá cả tăng rõ rệt trong những ngày vừa qua. Các loại rau xanh trước đây chỉ dao động 4.000 - 5.000 đồng/mớ thì nay phải 7.000 -12.000 đồng/mớ. Dưa chuột tăng lên 30.000 đồng/kg thay vì 20.000-25.000 đồng/kg như trước. Trứng gà cũng từ 25.000 -27.000 đồng/chục, giờ phải 30.000 -32.000 đồng/chục. Thịt lợn, thịt gà cũng tăng 10.000 -15.000 đồng/kg... Do rau xanh, thực phẩm tươi sống đều tăng giá bán nên chi phí tiền đi chợ của gia đình bị đội lên khá cao. Để có bữa ăn đủ dinh dưỡng và tiết kiệm cho gia đình gồm 4 người, mỗi ngày tôi phải chi trên 200.000 đồng, chưa kể tiền mua hoa quả. Hai vợ chồng tôi đều là lao động tự do, không có thu nhập ổn định nên mức chi tiêu như hiện nay là quá cao, cộng với tiền cho con học hành thì gia đình tôi gần như không có tiền để tiết kiệm.
Không chỉ người tiêu dùng gặp khó, các quán cơm bình dân, chủ quầy bán đồ ăn nhanh, tiểu thương kinh doanh rau củ, thực phẩm tại chợ cũng loay hoay tìm cách xoay xở để kinh doanh có lãi trong thời điểm giá nhập rau củ, thực phẩm tăng cao.
Chị Nguyễn Thị Mai (tiểu thương bán rau củ, hoa quả tại chợ cóc ở Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) cho biết: Tôi bán rau củ, hoa quả với số lượng lớn, chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng chính là công nhân lao động trong khu công nghiệp, quán cơm bình dân. Mặc dù giá bán các mặt hàng đều tăng khoảng một tháng nay, nhất là rau xanh, rau gia vị, dưa, cà do mưa lớn dài ngày ảnh hưởng đến chất lượng, nguồn cung rau củ từ các nhà vườn… Thế nhưng, giá nhập vào tăng ba thì tôi chỉ bán với mức giá tăng một, hai so với trước vì sợ mất khách. Đấy là chưa kể, mưa lớn khiến rau bị ngập úng, dập nát, người mua kén chọn cửa hàng có rau đẹp hơn để mua nên lượng rau ế phải bỏ đi khá nhiều. Lãi suất bán hàng vì thế cũng giảm đáng kể.
Nguyên nhân khiến giá rau củ các loại tăng được các tiểu thương lý giải là do mưa lớn kéo dài, khiến rau màu bị ngập úng. Nguồn cung rau xanh vừa thiếu, vừa xấu nên các tiểu thương chợ đầu mối tăng giá nhập. Thời gian này, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống không nhập đủ các loại rau củ để bán như trước vì giá nhập cao khiến họ phải cân đối việc nhập hàng nhằm giảm thiểu thiệt hại do rau xấu, nhanh bị hỏng. Vì thế, thị trường rau xanh không được dồi dào, phong phú như trước.
Theo các tiểu thương bán rau củ tại chợ Bầu (thành phố Phủ Lý), giá rau tăng do các tiểu thương nhập về từ chợ đầu mối tăng chứ không phải do nhu cầu người tiêu dùng tăng. Hiện nay, hàng hóa bán tại chợ khá chậm nên các tiểu thương không dám nhập hàng về nhiều vì sợ khó tiêu thụ.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 7/2024, giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng cũng là một phần nguyên nhân khiến cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng 0,72% so với tháng trước; tăng 4,26% so với tháng 7/2023 và tăng 2,47% so với tháng 12/2023. Mức tăng giá mỗi mặt hàng rau củ, thực phẩm tại các chợ truyền thống dao động 5.000 - 20.000 đồng/kg, dù đây không phải là mức tăng quá lớn nhưng người tiêu dùng lo lắng mức giá này sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới. Cộng với nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng tăng giá bán khiến cho nhiều gia đình phải phải thắt chặt chi tiêu để bảo đảm tài chính trong sinh hoạt hằng ngày.
Từ người tiêu dùng cho đến các tiểu thương bán hàng đều mong muốn, sản xuất nông nghiệp sớm được khôi phục sau thời gian mưa kéo dài để nguồn cung rau xanh dồi dào, giá cả sớm “hạ nhiệt”. Đồng thời, mong muốn, các ngành chức năng kiểm soát chặt thị trường để việc tăng lương không bị lợi dụng để tăng giá bán hàng hóa thiết yếu. Bởi ngoài nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở, còn rất nhiều công nhân lao động, người làm công việc tự do chưa được cải thiện về mức thu nhập. Họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giá cả hàng hóa “leo thang”.
Nguyễn Oanh