kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Ngành bán lẻ “hồi sinh” sau đại dịch

Ngành bán lẻ “hồi sinh” sau đại dịch

Đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát với gần 2 tháng liên tục cả nước không ghi nhận thêm ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế đến nay vẫn còn khá nặng nề, trong đó có ngành bán lẻ.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành bán lẻ được đánh giá là một trong những lực đẩy quan trọng của quá trình “hồi sinh” nền kinh tế.

Những tác động của dịch bệnh tới thị trường

Thông tin từ Sở Công thương cho biết, lượng khách mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng… bắt đầu giảm dần từ tháng 2 do ý thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh được nâng lên khi dịch bệnh bùng phát tại một số quốc gia trên thế giới. Hoạt động của ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất là trong tháng 4 khi nhiều nhà phân phối, cửa hàng phải đóng cửa tạm thời để thực hiện giãn cách xã hội. Việc công nhân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm... dẫn đến chi tiêu tiết kiệm cũng là nguyên nhân khiến hoạt động của ngành bán lẻ gặp khó khăn cho tới tận thời điểm này. Tính riêng trong tháng 4, có tới 90% nhóm ngành hàng bị sụt giảm mạnh về doanh thu so với những tháng trước khi dịch bùng phát.

Ngành bán lẻ “hồi sinh” sau đại dịch
Ngành bán lẻ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành để kích cầu tiêu dùng sau đại dịch.

Chị Trần Thị Thu, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép trên Đường Lê Công Thanh (thành phố Phủ Lý) lý giải: Tâm lý chung của người tiêu dùng là làm sao thực hiện tốt công tác phòng dịch để không bị lây nhiễm. Cùng với đó, hạn chế tối đa chi tiêu những khoản chưa thật sự cần thiết để tiết kiệm đề phòng dịch bệnh có thể kéo dài. Trong tháng 5, lượng khách đến mua hàng đã có sự gia tăng nhẹ. Doanh thu bán hàng trong tháng 5 cao hơn những tháng trước nhưng vẫn sụt giảm tới 40% so với cùng tháng năm ngoái.

Tình hình kinh doanh, buôn bán khó khăn, thời gian qua đã có nhiều hộ kinh doanh nhỏ phải ngừng hoạt động, trả lại mặt bằng thuê cửa hàng để giảm bớt thiệt hại. Còn những đơn vị kinh doanh quy mô lớn, chủ các cửa hàng, ki ốt tại các khu vực chợ trên địa bàn tỉnh đều đề nghị được hỗ trợ tiền thuê và được chủ đầu tư tiếp nhận, giảm giá thuê phổ biến từ 10-30%/tháng nhằm chia sẻ khó khăn chung với các đơn vị, hộ kinh doanh. Dù sức mua chưa trở lại bình thường như thời điểm trước khi diễn ra dịch bệnh, song số liệu từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, trong tháng 5, hoạt động của ngành bán lẻ đã có những bước tái “khởi động” với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 7,8% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,1% so với tháng trước do các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, điểm vui chơi, giải trí đã mở cửa trở lại sau khi thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Trong 11 nhóm hàng hóa, có tới 9 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng ổn định và tăng so với tháng trước. Đây được xem là tín hiệu vui đối với ngành bán lẻ hiện nay.

Thay đổi để phù hợp với tâm lý tiêu dùng sau đại dịch

Đại dịch Covid – 19 không chỉ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ mà còn làm thay đổi đáng kể hành vi, tâm lý tiêu dùng của người dân. Đặc biệt là hành vi tiêu dùng từ mua tại cửa hàng sang mua trực tuyến; từ xu hướng ăn uống ngoài gia đình đến tiêu dùng an toàn tại nhà. Đại dịch cũng khiến người dân chú trọng hơn đến chế độ dinh dưỡng, chăm tập luyện thể thao, mua bảo hiểm... Điều này mở ra cơ hội cho các đơn vị kinh doanh của ngành bán lẻ trong việc đa dạng hóa kênh bán hàng, kết hợp trực tuyến và truyền thống; đa dạng nguồn cung hàng hóa, nhất là hàng nội địa… Ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương nhận định: Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các dịch vụ giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ giai đoạn trong và sau đại dịch, trong đó, chuyển biến rõ rệt nhất là ngành ăn uống. Thế nhưng, còn một thực tế khác là kênh cửa hàng tiện lợi vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển dù đây là kênh bán hàng có sự tăng trưởng nhiều nhất trong những năm qua. Nhiều cửa hàng tiện lợi hiện vẫn chưa cung cấp đầy đủ các sản phẩm mà người tiêu dùng có nhu cầu để dự trữ hoặc nấu ăn tại nhà. Điều này đòi hỏi các cửa hàng tiện lợi cần tích cực tìm hiểu thị hiếu mở rộng danh mục sản phẩm liên quan đến thực phẩm thiết yếu.

Ngành bán lẻ có thể sẽ có tốc độ hồi phục nhanh hơn các ngành khác nhờ những tiềm năng sẵn có, cũng như triển vọng được mở ra sau dịch bệnh. Đó là triển vọng về sự thích nghi với thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng; triển vọng về đáp ứng hàng hóa của nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu. Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với Covid – 19 diễn ra vào đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Khuyến khích tiêu dùng nội địa là một trong “5 mũi giáp công” giúp Việt Nam khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch. Cụ thể, các đơn vị, doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh ở cả phía cung và cầu. Giai đoạn này là cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng, như: kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế giúp bảo vệ, nâng cao sức khỏe…

Trên thực tế, với hàng loạt chính sách hỗ trợ cùng các gói kích cầu của Chính phủ, như: gói 180.000 tỷ đồng theo Nghị định 41 nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp thông qua việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; gói 62.000 tỷ đồng theo Nghị định 42 hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; thực hiện giảm giá điện; hạ lãi suất vốn vay,… ngành bán lẻ tại Việt Nam nói chung, tại Hà Nam nói riêng cũng được tiếp thêm động lực để tạo sức bật mới. Khi doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, giúp kích thích tiêu dùng. Đồng thời, khi sản xuất phục hồi, thu nhập của người dân tăng lên cũng sẽ gián tiếp thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển. Thực tế này là cơ hội nhưng cũng là bài toán đặt ra đối với các đơn vị kinh doanh của ngành bán lẻ trong việc chủ động nắm bắt tâm lý tiêu dùng; điều chỉnh phương án kinh doanh phù hợp với các biến động của thị trường. Đây cũng là dịp để ngành bán lẻ cần nhìn lại mình để đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người tiêu dùng; chủ động hơn trong tổ chức thu mua nguồn hàng, khai thác triệt để thị trường trong nước với giá bán lẻ phù hợp nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm kinh doanh hiệu quả.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy