Nâng tầm sản phẩm rượu Vọc

UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án hỗ trợ, phát triển nghề sản xuất rượu Vọc truyền thống của xã Vũ Bản (Bình Lục). Với tổng kinh phí thực hiện hơn 4 tỷ đồng, Đề án đang hứa hẹn nâng tầm sản phẩm rượu Vọc, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo thuận lợi cho làng nghề phát triển.

Chị Trần Thị Hiền kiểm tra "cái rượu" trước khi đưa ra nấu.

Từ tháng 4/2017, 64 thành viên là những hộ đang duy trì thường xuyên nghề nấu rượu truyền thống ở xã Vũ Bản đã tham gia thành lập nên HTX rượu Vọc.

Tổng sản lượng rượu sản xuất của HTX hiện nay đạt 2.000 lít/ngày. Tham gia HTX rượu Vọc, các thành viên được cung ứng dịch vụ cung cấp men thuốc Bắc để nấu rượu hoặc dịch vụ cung cấp thuốc men cho các hộ tự sản xuất men rượu theo phương pháp truyền thống của làng; làm dịch vụ khử độc, đóng chai giúp rượu bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và mẫu mã đồng nhất.

Trên mỗi sản phẩm chai rượu của làng nghề đều có tem gắn tên chủ hộ sản xuất nhằm bảo vệ quyền lợi của người sản xuất cũng như việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm của mình làm ra.

Cùng với đó, HTX giúp các thành viên dần từng bước hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị, nhà xưởng..., không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ và cung ứng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX rượu Vọc, HTX được thành lập đi vào hoạt động nhằm đẩy mạnh sản xuất sản phẩm rượu truyền thống của làng nghề. Từ đó, tạo sức cạnh tranh, góp phần loại bỏ các sản phẩm rượu kém chất lượng đang có trên thị trường, trong đó có cả những sản phẩm giả rượu Vọc truyền thống.

Qua tìm hiểu, sau khi HTX rượu Vọc được thành lập, sản xuất của làng nghề từng bước đi vào ổn định. Với trách nhiệm là thành viên HTX, các hộ đã chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm.

Hiện các hộ đều duy trì được việc sử dụng men thuốc Bắc úp theo phương pháp truyền thống tại địa phương. Vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các khâu sản xuất được quan tâm hơn từ việc đầu tư mở rộng khu sản xuất, thay thế dần các dụng cụ cũ…

Duy trì và phát triển làng nghề, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ, phát triển nghề sản xuất rượu Vọc truyền thống. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện đề án 4,075 tỷ đồng trong 2 năm (2017 và 2018), gồm: nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 2,035 tỷ đồng, vốn của các cơ sở sản xuất 2,040 tỷ đồng.

Nội dung được hỗ trợ: Thông tin, tuyên truyền; đầu tư, thay thế máy móc thiết bị, dụng cụ sản xuất; xúc tiến thương mại; đào tạo, tập huấn. Được biết hiện nay, các thành viên HTX rượu Vọc đang chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng để đầu tư mới dụng cụ.

Nhiều cơ sở, hộ sản xuất trong HTX dự tính sẽ đầu tư mua nồi nấu cơm, tủ nấu rượu bằng điện, chum ủ men và trữ rượu sau khi nấu. Cũng theo ông  Mạnh, khi được đầu tư dụng cụ mới chắc chắn sản lượng và chất lượng rượu Vọc sẽ được nâng lên.

Hiện xã đã quy hoạch khu xây dựng trạm lọc, xử lý độc tố và đóng chai của HTX. Dự định, thời gian tới Hội đồng quản trị HTX sẽ huy động đóng góp của các thành viên cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh để xây dựng. Tới đây HTX sẽ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, nhằm phát huy giá trị và nâng tầm cho sản phẩm rượu Vọc trên thị trường.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.