Lý Nhân đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ

Bên cạnh thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Lý Nhân còn phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển thương mại, dịch vụ (TMDV). Qua đó, đã giải quyết được việc làm cho lực lượng lớn lao động nông thôn, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của huyện.

Thương mại, dịch vụ ở thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) phát triển khá mạnh.

Trên cơ sở định hướng phát triển chung của huyện, các xã, thị trấn đã phát huy tối đa lợi thế để phát triển dịch vụ. Điển hình là các xã, thị trấn có quốc lộ 38B đi qua như: Vĩnh Trụ, Chính Lý, Công Lý, Nhân Bình, Nhân Chính, Nhân Khang, Nhân Nghĩa, Xuân Khê, Hòa Hậu...

Qua khảo sát các tuyến đường trung tâm xã, dễ dàng nhận thấy, hệ thống cửa hàng kinh doanh, dịch vụ "mọc" lên ngày một nhiều, từ cửa hàng thời trang, văn phòng phẩm, đồ gia dụng, điện tử, cho đến dịch vụ khám chữa bệnh, viễn thông, xe máy…

Các sản phẩm đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại và chất lượng với giá cả từ bình dân đến cao cấp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ như thương mại, tài chính ngân hàng… cũng phát triển nhanh và ổn định.

Đối với thị trấn Vĩnh Trụ, ngoài quốc lộ 38B còn có các tỉnh lộ 471 và 472 chạy qua, đồng thời có bến xe trung tâm và nhiều cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn nên thị trấn Vĩnh Trụ đã tập trung phát triển mạnh các loại hình dịch vụ.

Ông Nguyễn Duy Hiển, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Trụ khẳng định: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bộ thị trấn là tập trung phát triển dịch vụ, thương mại, coi đó là ngành kinh tế mũi nhọn của thị trấn. Cùng với đó, duy trì giữ vững nhịp độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Vì vậy, mạng lưới TMDV trên địa bàn thị trấn đã phát triển nhanh, tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang TMDV, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của thị trấn đạt xấp xỉ 15%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bắc Lý là một xã thuần nông, ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã. Để tăng thu nhập cho người dân, những năm qua, xã Bắc Lý đã quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ dân có điều kiện về mặt bằng, vị trí giao thông thuận lợi để mở rộng quy mô cửa hàng, đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Theo đó, Bắc Lý luôn duy trì, giữ vững nhịp độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo nguồn thu ổn định cho hàng trăm hộ dân. Ngoài 6 doanh nghiệp, trên địa bàn xã hiện có gần 200 hộ kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng mỗi tháng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Ông Đặng Ngọc Lưu, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý

Cách làm của thị trấn Vĩnh Trụ là chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể vận động, tuyên truyền những hộ dân có vốn sản xuất, có lợi thế ở gần mặt đường mở rộng các loại hình kinh doanh. Thị trấn quan tâm, tạo điều kiện về các thủ tục vay vốn, giữ vững an ninh trật tự để các doanh nghiệp, cá nhân yên tâm buôn bán. Theo đó, đến nay trên địa bàn thị trấn có trên 3.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể ở các ngành nghề. Ngoài các cửa hàng, đại lý truyền thống, siêu thị Lan Chi Mart và Trung tâm thương mại Tiến Lộc Plaza cũng hoạt động kinh doanh hiệu quả, tạo nên thị trường mua bán sôi động, đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.

Có quốc lộ 38B chạy qua, xã Nhân Bình có điều kiện thuận lợi hơn một số xã trong huyện để phát triển giao thương, buôn bán. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, thời gian qua, Hội LHPN xã Nhân Bình đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân sống gần mặt đường mở rộng các loại hình kinh doanh để có thu nhập trong những tháng nông nhàn. Ngoài trục đường lớn, tại 100% thôn, xóm trên địa bàn xã, các cửa hàng kinh doanh cũng "mọc" lên ngày một nhiều với đa dạng mặt hàng; từ hàng tạp hóa, điện tử, mỹ phẩm, thời trang cho đến hoa quả, lương thực, thực phẩm… Trong số đó, có tới 40 cửa hàng do hội viên phụ nữ làm chủ với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Nhiều chị em còn có nguồn thu hằng tháng lên tới trên chục triệu đồng từ hoạt động kinh doanh”.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhân Bình

Cũng như thị trấn Vĩnh Trụ, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng TMDV của các xã trên địa bàn toàn huyện đạt khá (bình quân tăng 19%/năm). Số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn huyện ngày càng tăng, thể hiện được vai trò nòng cốt ở những mặt hàng như xăng dầu, lương thực, điện tử, viễn thông... Thương mại tư nhân dưới hình thức các công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh liên tục phát triển.

Đặc biệt, hệ thống bán lẻ ở các xã, thị trấn phát triển mạnh. Có được kết quả đó là do huyện Lý Nhân đã có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho TMDV phát triển. Cụ thể như: hỗ trợ kinh phí để các xã, thị trấn xây mới, nâng cấp hệ thống giao thông, chợ; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị.

Cùng với đó, phối hợp tổ chức tốt các hội chợ thương mại đưa hàng Việt về nông thôn. Thông qua các kỳ hội chợ, hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện đã được dịp giới thiệu, quảng bá sản phẩm; người dân có cơ hội tham quan, mua sắm… góp phần thúc đẩy giao lưu thương mại giữa khu vực nông thôn với thành thị.

Nói về hướng phát triển TMDV trên địa bàn huyện trong thời gian tới, ông Trần Huy Thanh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lý Nhân nhấn mạnh: Thời gian tới, huyện Lý Nhân phấn đấu tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa từ 20%/năm. Để đạt được mục tiêu đó, huyện tiếp tục hỗ trợ và thu hút đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ nông thôn, tạo điều kiện trao đổi, giao lưu hàng hóa, phát triển các dịch vụ trong khu vực.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì mạng lưới các cửa hàng bán lẻ, khuyến khích phát triển đại lý tiêu thụ tại các điểm bán lẻ trong khu dân cư và quầy hàng cố định tại khu vực các chợ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm… nhằm bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, cung cầu hàng hóa ổn định.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.