kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Kinh doanh mặt hàng công nghệ gặp khó

Kinh doanh mặt hàng công nghệ gặp khó

Sức tiêu thụ các mặt hàng công nghệ như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng, đồng hồ thông minh… đang có dấu hiệu suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và những năm về trước. Thực tế này đã và đang tạo ra những khó khăn về chi phí, dòng tiền cho các đại lý phân phối, đơn vị bán lẻ.

Qua khảo sát tình hình kinh doanh của các đơn vị bán lẻ mặt hàng công nghệ trên địa bàn thành phố Phủ Lý như: Thế giới đi động, FPT Shop, Viettel Store… cho thấy, trong số các mặt hàng công nghệ thì điện thoại di động, máy tính bảng đang là những sản phẩm ế ẩm nhất. Doanh thu từ mặt hàng này trong năm 2022 và trong 6 tháng đầu năm 2023 không đạt so với mục tiêu đề ra, kể cả trong dịp mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đặc biệt, sức tiêu thụ được đánh giá thấp nhất ở mảng điện thoại di động tầm trung và thấp với mức giá dưới 10 triệu đồng.

Nguyên nhân được lý giải là do ở phân khúc máy tính và điện thoại này, nhóm đối tượng khách hàng phổ biến là tầng lớp bình dân, lao động tự do, công nhân lao động. Trong khi đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian hơn 1 năm qua do các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… liên tục gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng hoặc không có đơn hàng khiến nhiều người lao động bị cắt giảm giờ làm, ngày làm hay nghỉ việc tạm thời. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động.

Kinh doanh mặt hàng công nghệ gặp khó
Khách hàng tìm mua điện thoại di động tại cửa hàng FPT Shop, đường Biên Hòa, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hân Hân

Kinh doanh gặp khó, hầu hết các cửa hàng bán lẻ phải thay đổi cơ cấu mặt hàng bày bán, cắt giảm nhân sự để giảm lỗ và duy trì hoạt động. Đơn cử như tại cửa hàng FPT Shop (đường Biên Hòa, thành phố Phủ Lý), sức tiêu thụ mặt hàng điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay trong 7 tháng đầu năm 2023 giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2022 giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Nếu như trước đây, trong mỗi ca làm, cửa hàng đều duy trì từ 4-5 nhân viên, bao gồm nhân viên thu ngân, kỹ thuật, tư vấn bán hàng thì giờ đây cửa hàng chỉ có từ 2-3 nhân viên trong một ca làm. Để đáp ứng yêu cầu công việc, cửa hàng ưu tiên tuyển chọn nhân viên đa nhiệm là người có kinh nghiệm và có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau tại cửa hàng. Sự sụt giảm mạnh về doanh thu khiến cửa hàng liên tục “tung” ra các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu.

Cụ thể như với các mẫu của dòng điện thoại Iphone, mức giảm giá trực tiếp cho mỗi sản phẩm hiện nay là từ 1,5 đến 4 triệu đồng; điện thoại thương hiệu Sam Sung giảm từ 1-8 triệu đồng/chiếc; điện thoại Oppo giảm từ 400.000 đồng đến trên 1 triệu đồng mỗi chiếc (tùy mẫu) và được tặng kèm thêm phiếu mua hàng trị giá 200-300.000 đồng dùng để mua sắm phụ kiện điện thoại, máy tính hay sử dụng các dịch vụ tại cửa hàng. Đối với các dòng máy tính bảng, máy tính xách tay, cửa hàng đang áp dụng mức giảm giá từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng mỗi chiếc, tăng thêm thời gian bảo hành từ 1-2 năm, đồng thời tặng kèm ba lô, chuột máy tính… Để duy trì hoạt động trong thời điểm sức tiêu thụ mặt hàng công nghệ gặp khó, FPT Shop đã mở rộng cơ cấu sản phẩm bày bán sang lĩnh vực đồ gia dụng để tăng doanh thu bán hàng như: nồi cơm điện, quạt điện, quạt điều hòa, bếp từ, xoong nồi, máy xay sinh tố, máy ép hoa quả, máy sấy tóc, bàn là…

Anh Nguyễn Đức Tuấn, nhân viên đa nhiệm của FPT Shop cho biết: Những năm trước khi bùng phát dịch Covid -19 hay thậm chí là trong 2 năm 2020-2021, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cửa hàng vẫn tiêu thụ mạnh sản phẩm máy tính, máy tính bảng và điện thoại di động do nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến của người dân tăng cao. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều sản phẩm liên tục “chạy” khuyến mại với mức giảm lên tới 30% trong nhiều tháng so với giá niêm yết lúc mở bán nhưng vẫn vắng người mua. Sự suy giảm của thị trường máy tính, điện thoại di động khiến cho các hãng sản xuất, đại lý phân phối và phía nhà bán lẻ đều đang phải đối mặt với “bài toán” khó về chi phí thuê nhân công, mặt bằng, dòng tiền. Do vậy, việc giữ doanh số để duy trì dòng tiền đang được xem là giải pháp quan trọng hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà bán lẻ phải quyết định “cắt lỗ” một số dòng máy bằng cách giảm giá sâu cho sản phẩm.

Không chỉ ở mảng máy tính, điện thoại di động, các mặt hàng công nghệ khác như: ti vi, đồng hồ thông minh, thiết bị máy tính, sạc không dây, máy chiếu… cũng đều chịu ảnh hưởng bởi xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Điều này có thể thấy rõ tại cửa hàng Thế giới di động (đường Biên Hòa, thành phố Phủ Lý). Trong cửa hàng, đồng hồ trẻ em được bán đồng giá, chỉ còn 190.000 đồng/chiếc (tương đương mức giảm 30-45%); nhiều mẫu đồng hồ thông minh giảm từ 10-30%; các thiết bị, phụ kiện điện thoại, máy tính giảm tới 50%... nhưng vẫn ế ẩm.

Chị Bùi Thu Trang, quản lý cửa hàng cho biết: Sức mua đối với các sản phẩm công nghệ “giảm nhiệt” từ khoảng 1 năm nay. Nhận thấy rõ những khó khăn này, nhiều thương hiệu cũng đã tạm dừng sản xuất đối với một số mẫu. Để kích cầu tiêu dùng, ngoài áp dụng việc giảm giá, hỗ trợ mua trả góp lãi suất 0%, cửa hàng còn triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn khác như: thu cũ, đổi mới; giảm từ 10-30% phí gói bảo hiểm rơi vỡ hoặc tặng gói bảo hiểm rơi vỡ 6 tháng cho khách hàng… Tuy nhiên, tình hình kinh doanh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành bán lẻ đồ công nghệ, tình hình kinh doanh đối với các mặt hàng công nghệ còn tiếp tục gặp khó, ít nhất là cho đến hết quý III/2023. Doanh số thị trường đồ công nghệ, nhất là với sản phẩm điện thoại di động được dự đoán có thể dần khởi sắc vào quý IV, thời điểm các nhà sản xuất bắt đầu tung ra thị trường những dòng sản phẩm mới, phục vụ mùa cao điểm bán hàng dịp cận Tết Nguyên đán 2024. Thời điểm này, các đơn vị bán lẻ vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhằm giảm bớt hàng tồn kho, thu hồi dòng tiền. 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy