kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu có chiều hướng gia tăng

Kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu có chiều hướng gia tăng

Những tháng đầu năm 2024, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu không phát sinh điểm nóng. Tuy nhiên, các vụ buôn bán mặt hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lại có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại nên tình hình vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu cơ bản được kiểm soát, chưa phát sinh điểm nóng trên địa bàn. Qua đó, góp phần duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn vẫn xảy ra. Số vụ vi phạm được phát hiện, xử lý 6 tháng đầu năm 2024 có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước, nổi lên là các mặt hàng như pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, hàng điện tử, phụ gia thực phẩm, thuốc tân dược, mỹ phẩm.

Theo lý giải của ngành chức năng, mặc dù địa bàn Hà Nam không phải là địa điểm chính để tập kết nhưng lại là địa bàn chủ yếu để các đối tượng trung chuyển hàng hóa vi phạm từ tỉnh này sang tỉnh khác thông qua các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, 38, 21... Các đối tượng dễ dàng sử dụng các loại phương tiện như xe khách, xe tải để vận chuyển hàng hóa vi phạm và ngụy trang hàng lậu, hàng cấm lẫn với hàng hóa khác để hợp thức hóa hồ sơ hàng hóa nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, hình thức kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi mua, bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Từ đầu năm 2024 đến nay, qua công tác thanh, kiểm tra, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện 118 vụ kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu (chiếm trên 16,4% tổng số vụ vi phạm được phát hiện), tăng 202,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là nhóm hành vi vi phạm có chiều hướng tăng cao so với các hành vi khác được các ngành chức năng phát hiện, xử lý. Trong đó, có nhiều vụ điển hình, phức tạp, như vào đầu tháng 1/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Vinh Quang Korea (phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý).

Kết quả sau kiểm tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thu thập, thẩm tra, xác minh đã phát hiện doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng hàng hoá vi phạm là 600 sản phẩm các loại gồm thảm trải sàn, nón đội đầu, ô che nắng cầm tay, đai lưng… với trị giá hàng hoá vi phạm trên 30,4 triệu đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp này còn có hành vi kinh doanh hàng nhập lậu với hàng hoá vi phạm là thực phẩm, vòng đeo tay bằng kim loại, miếng dán hồng sâm đen làm thơm quần áo với tổng trị giá hàng hoá vi phạm trên 76,8 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp về các hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt là 115 triệu đồng; đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hoá vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tháng 4/2024, sau khi thực hiện biện pháp nghiệp vụ trong công tác quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) đã phối hợp phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh) kiểm tra Công ty TNHH Pretty Vina (phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên) và phát hiện doanh nghiệp này có dấu hiệu về hành vi buôn lậu. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 2 bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật có liên quan cho Công an tỉnh để điều tra làm rõ. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra tại Công ty TNHH Pretty Vina.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Hoạt động buôn lậu có chiều hướng gia tăng, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thất thu ngân sách mà nguy hại hơn, nhiều trường hợp còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và tính minh bạch của thị trường hàng hóa, từ đó làm giảm uy tín của các nhà sản xuất và nhà kinh doanh chân chính. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hằng năm, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đặc biệt đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và đạt được kết quả khả quan. Nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm trước pháp luật, nhiều đường dây, ổ nhóm bị triệt phá. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế nhưng cũng khiến cho tình trạng buôn lậu diễn biến ngày càng phức tạp cả về quy mô và tính chất.

Trước tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu ngày càng gia tăng, nhất là trong dịp cuối năm, thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025 sắp tới, thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các mặt hàng, địa bàn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp; kiểm soát các ngành hàng, mặt hàng thiết yếu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của  doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống hàng cấm, hàng nhập lậu, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, người tiêu dùng cũng cần chung tay đấu tranh chống buôn lậu bằng việc chọn mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để ủng hộ doanh nghiệp sản xuất chân chính, làm ra sản phẩm chất lượng, góp phần ngăn chặn các hành vi buôn lậu. Khi phát hiện các trường hợp vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, cần liên hệ với các cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Các doanh nghiệp sản xuất cần đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Về phía người bán lẻ, nên nhập hàng của những đơn vị uy tín, có đăng ký kinh doanh hợp pháp; xem xét kỹ các nội dung liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy