Trước những diễn biến phức tạp về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, sáng sớm ngày 21/9, người dân trên địa bàn thành phố Phủ Lý đã đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Việc làm này là không cần thiết bởi các doanh nghiệp, nhà phân phối luôn chủ động nguồn hàng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Có mặt tại chợ phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý từ 6 giờ sáng ngày 21/9, bà Nguyễn Thị Hằng, tổ 6, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý chia sẻ: Lần này, nghe thông tin về tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp nên tôi khá lo lắng. Thấy nhiều người dân trong tổ phố đổ xô đi mua đồ về tích trữ để phòng dịch nên tôi cũng mua thực phẩm, nhu yếu phẩm đủ để cả gia đình dùng trong khoảng chục ngày. Như vậy thì mới cảm thấy yên tâm. Ngoài các nhu yếu phẩm cần thiết, tôi còn mua thêm một số loại thuốc, thực phẩm chức năng để tăng sức đề kháng, nước sát khuẩn tay, nước súc miệng…
Qua tìm hiểu được biết, tại hầu hết các chợ cóc, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Phủ Lý đông nghịt người mua từ sáng sớm ngày 21/9. Tầm 7 giờ sáng, nhiều chợ đã “cháy” mặt hàng thịt lợn, thị bò, tôm và một số loại rau, củ có thể bảo quản được lâu như bí xanh, bí đỏ, khoai tây, cà rốt… Có người dân mua tới cả chục triệu đồng tiền thịt, rau, củ để tích trữ tủ lạnh.
Chị Lại Thị An, một tiểu thương bán thịt lợn tại phường Lê Hồng Phong cho biết: Vì nắm bắt được tâm lý hoang mang của người dân khi nắm được thông tin có thêm nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 vào đêm ngày 20/9 nên sáng 21/9 tôi đã chủ động lấy thêm hơn 2 yến thịt lợn về bán. Do lượng khách mua đông và mua với số lượng nhiều nên đến gần 7 giờ sáng 21/9, bàn thịt đã hết nhẵn. Tôi đã phải đi lấy thêm thịt về bán nhưng do “cung” không đủ “cầu” nên mỗi tiểu thương cũng chỉ lấy thêm được hơn một yến về bán. Ngoài ra, còn có rất nhiều khách hàng quen gọi điện đặt hàng với số lượng vài cân đến 1 yến thịt nhưng tôi không có đủ hàng cung cấp.
Còn tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, người dân tập trung mua nhu yếu phẩm thiết yếu để tích trữ cũng rất đông. Đơn cử như tại cửa hàng tự chọn Hưng Hương trên đường Lê Công Thanh, thành phố Phủ Lý, lượng khách đến xếp thành hàng dài liên tục nhiều giờ liền trong ngày 21/9. Những mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất là mỳ tôm, gạo, sữa tươi, mắm, muối, giấy vệ sinh, thực phẩm chế biến sẵn…
Bà Đỗ Lan Hương, chủ cửa hàng tự chọn Hưng Hương cho hay: Khách hàng đến mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm rất đông. Vì vậy, riêng trong ngày 21/9, cửa hàng đã liên hệ với các nhà cung cấp để lấy thêm gần chục xe ô tô hàng hóa, nhiều nhất là sữa tươi và mỳ tôm. Cửa hàng cũng đã chủ động tìm kiếm nguồn hàng, có kho dự trữ hàng hóa lớn, đảm bảo khi cần thiết có thể nhập thêm hàng nhanh chóng để phục vụ nhu cầu của người dân.
Tương tự, trước nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến của người dân, cửa hàng của Siêu thị VinMart trên đường Lê Công Thanh (thành phố Phủ Lý) cũng thường xuyên phải bổ sung thêm gạo, thịt, cá, thực phẩm chế biến sẵn và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Theo thông tin từ nhân viên bán hàng tại cửa hàng, lượng hàng hóa không chỉ được bổ sung kịp thời từ các nhà cung cấp mà còn được luân chuyển liên tục từ các chuỗi cửa hàng khác của hệ thống siêu thị VinMart tại các tỉnh, thành lân cận. Trước mắt, lượng hàng hóa thiết yếu trong đợt này dự kiến sẽ được bổ sung thêm 30-40% so với bình thường nên sẽ đảm bảo nguồn hàng đa dạng, dồi dào cho người dân mua sắm với mức giá ổn định, không tăng so với ngày thường.
Được biết, trước thực trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình cung – cầu hàng hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp phân phối, hộ kinh doanh không găm hàng, đội giá bán.
Đến thời điểm này, hầu hết các mặt hàng hóa vẫn giữ giá ổn định. Các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn đều đã tăng cường nguồn cung đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong tình hình dịch bệnh có thể kéo dài.
Ngoài ra, Sở Công thương Hà Nam cũng đang tăng cường theo dõi sát tình hình cung - cầu để có phương án điều tiết, cung ứng hàng hóa phù hợp, nhất là phục vụ người dân trong khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa. Trao đổi về nội dung này, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân để ứng phó với dịch Covid-19, Sở Công thương đã yêu cầu Phòng Kinh tế, phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị xã, nhất là Phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý đẩy mạnh tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân và nhân dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẵn có và đẩy mạnh sản xuất để ứng phó với dịch bệnh trong thời gian dài và liên tục; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động phương án đảm bảo nguồn hàng ổn định. Theo đó, các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh đều đã có kế hoạch dự trữ, tăng lượng hàng hóa lên thêm ít nhất 30% so với ngày thường.
Như vậy, trước thực tế nguồn cung hàng hóa dồi dào như hiện nay, các ngành chức năng khuyến cáo, người dân chỉ nên mua hàng thiết yếu đủ dùng, không nên quá hoang mang, lo lắng mà tích trữ nhiều hàng hóa. Tỉnh Hà Nam đảm bảo dự trữ hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân. Việc ồ ạt đi mua hàng hóa tích trữ có thể khiến cho giá hàng hóa tăng bất thường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc tập trung quá đông người tại các điểm mua sắm còn dẫn đến nguy cơ cao lây nhiễm bệnh. Việc người dân cần làm lúc này là hạn chế ra đường khi không thực sự cần thiết và thực hiện tốt các bước phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nguyễn Oanh