Bước vào mùa nắng nóng, cùng với các dịch vụ như kinh doanh bể bơi, nước giải khát, các sản phẩm chống nóng, dịch vụ ăn uống cũng có xu hướng tăng cao. Nguyên nhân là do nắng nóng, nhiều gia đình, người dân muốn đi ăn ở ngoài cửa hàng, hay gọi đồ ăn sẵn giao hàng tận nhà để tránh nắng và giải phóng sức lao động.
Chị Nguyễn Thị Hiền (Phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý) là nhân viên hành chính một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Bình thường, vào giờ nghỉ buổi trưa, chị Hiền thường tranh thủ về nhà để lo cơm nước cho các con. Tuy nhiên, trong những ngày hè nắng nóng, chị quyết định ở lại công ty và gọi điện đặt cơm giao về công ty cũng như mang đến tận nhà cho các con. Chị Hiền chia sẻ: Tôi được nghỉ khoảng 2 tiếng buổi trưa nên bình thường tôi hay dậy sớm vào buổi sáng để đi chợ mua thức ăn, trưa về nhà nấu cơm cho các con. Đầu giờ chiều tôi lại chở các con đi học rồi mới quay lên công ty. Thế nhưng việc di chuyển, đi lại vào mùa hè rất vất vả, hơn nữa trong mấy tháng hè, các con cũng được nghỉ học ở nhà nên vào những hôm thời tiết nắng nóng, tôi đều gọi điện đặt cửa hàng giao cơm bữa trưa cho cả 3 mẹ con. Ngoài cơm, tôi thường gọi thêm cả đồ uống như nước ép hoa quả để bảo đảm dinh dưỡng cho các con.
Giải pháp sử dụng dịch vụ ăn uống ngoài gia đình để tránh nắng của chị Hiền cũng được nhiều gia đình lựa chọn trong những ngày hè oi bức. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh, hầu hết các nhà hàng, quán ăn bình dân, các cửa hàng kinh doanh nước giải khát đều nhận giao hàng tận nơi miễn phí, hoặc tính phí giao hàng thấp cho khách hàng. Theo đó, dịch vụ giao đồ ăn sẵn tận nhà cũng phát triển mạnh từ đầu mùa hè đến nay.
Anh Vũ Đình Duy, chủ cửa hàng Bờm 1 trên Đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Phủ Lý cho hay: Thông thường, vào mùa nóng, nhiều người ngại nấu ăn tại nhà hơn. Nhân viên làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng không muốn di chuyển về nhà vào giữa buổi trưa nắng nên nhu cầu đặt cơm văn phòng tăng so với các mùa khác trong năm, nhất là số suất bán online và giao hàng tận nhà. Từ đầu hè đến nay, trung bình mỗi ngày, cửa hàng bán được 150-200 suất cơm các loại, trong đó, số suất cơm giao tận nhà chiếm khoảng 50% tổng số đơn hàng. Khách hàng của Bờm chủ yếu là nhân viên văn phòng làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các hộ gia đình. Khách hàng thường đặt cơm theo suất với giá từ 35.000-45.000 đồng/suất. Ngoài ra, trong mùa hè, mỗi ngày cửa hàng còn bán kèm thêm hàng trăm cốc sinh tố, trà sữa, nước ép hoa quả các loại. Chúng tôi luôn xác định, việc tăng cường quảng bá hình ảnh cửa hàng trên mạng xã hội và nhận giao hàng tận nhà cho khách hàng là chiến lược chủ chốt để cửa hàng tiếp cận khách hàng một cách tốt hơn.
Theo Cục thống kê tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống các loại. Doanh thu dịch vụ ăn uống trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 1.400 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng trong những tháng hè (tháng 5 và tháng 6), doanh thu dịch vụ ăn uống có sự tăng trưởng cao hơn so với những tháng trước. Qua đó, góp phần nâng tổng mức doanh thu mặt hàng lương thực, thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trên 51% so với cùng kỳ năm trước và đây cũng là một trong những mặt hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tháng 5, tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023. Kết quả này cho thấy tốc độ phục hồi của dịch vụ ăn uống sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid -19.
Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhìn chung hoạt động bán lẻ hàng hoá trên địa bàn tỉnh những tháng qua đã đi vào quỹ đạo. Một số loại hình dịch vụ có mức tăng khá trong những tháng cao điểm của mùa nóng, trong đó có dịch vụ ăn uống. Trong 2 tháng trở lại đây, hàng ăn và dịch vụ ăn uống là một trong những nhóm hàng hóa có chỉ số giá tiêu dùng tăng (0,02%) so với tháng trước. Hiện, Sở Công thương Hà Nam cũng đang quan tâm làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các biện pháp kích cầu tiêu dùng; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bán hàng; kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh, trong đó có lĩnh vực dịch vụ ăn uống…
Dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống vẫn đang là mảng dịch vụ có tốc độ phát triển khá trong tổng thể “bức tranh” thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tin rằng, khi tình hình sản xuất, kinh doanh và thu nhập của người lao động đang được dự báo cải thiện sẽ là yếu tố góp phần thúc đẩy doanh thu ngành bán lẻ hàng hoá nói chung, mảng dịch vụ ăn uống nói riêng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Nguyễn Oanh