Đẩy mạnh phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn

Phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26/ NQ-TW (Hội nghị Trung ương 7, khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết số 26, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều chương trình, đề án khuyến khích phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. Mỗi giai đoạn đều xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để tập trung đầu tư, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, sau khi ban hành, các chương trình, đề án đã đi vào cuộc sống và có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ CN-TTCN, dịch vụ, thương mại phát triển.

Trong 10 năm qua, nguồn lực đầu tư phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn đã được tăng cường, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp nhằm khuyến khích phát triển, mở rộng mạng lưới thương mại dịch vụ. Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Xã Thi Sơn (Kim Bảng) đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.

Phát huy vai trò, giá trị của khu vực kinh tế làng nghề, các huyện, thành phố tập trung phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề TTCN. Chương trình khuyến công được triển khai hằng năm, góp phần đắc lực trong việc khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất TTCN ở nông thôn. Trong 10 năm qua, ngân sách nhà nước chi hơn 20,6 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công, trong đó, quỹ khuyến công địa phương 9,8 tỷ đồng, Quỹ Khuyến công quốc gia 10,8 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 58 làng nghề truyền thống, 30 làng nghề TTCN, 111 làng có nghề TTCN được công nhận. Sản phẩm làng nghề phong phú và đa dạng, ngày càng bắt nhịp tốt hơn với yêu cầu kinh tế thị trường. Nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống được chính quyền các địa phương hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, như: Lụa Nha Xá, trống Đọi Tam (Duy Tiên), gốm Quyết Thành (Kim Bảng), thêu ren Thanh Hà (Thanh Liêm). Các làng nghề truyền thống không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đánh giá của UBND huyện Duy Tiên, trong những năm gần đây, một số nghề ở địa phương được quan tâm phát triển, như: mộc, nề, nấu rượu, dệt, làm trống, cắt chữ… thu hút khoảng 2.500 lao động tham gia, với mức thu nhập ổn định từ 3,5-4,2 triệu đồng/người/tháng (tùy thuộc từng nghề). Hiện nay, Duy Tiên có 9 làng nghề, trong đó 5 làng nghề truyền thống. Hỗ trợ phát triển làng nghề, huyện phối hợp tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm TTCN, làng nghề ở địa phương.

Với thế mạnh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, thành phố Phủ Lý có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, khuyến khích mở mang dịch vụ, ngành nghề nông thôn, nhất là những ngành nghề có thế mạnh phát triển, như: xay xát, may mặc, chế biến gỗ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí. Hằng năm, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình khuyến công, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.

Phát triển thương mại dịch vụ chính là thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ. Chính vì vậy, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, gắn với  thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, chủ trương phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 26 đã và đang tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân theo đầu người ở tỉnh ta mới chỉ đạt 8,28 triệu đồng/năm, thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên 33,3 triệu đồng, gấp 4,2 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ  8,89% xuống còn 3,28%.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26 (khóa X), chủ trương của tỉnh là đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất, thúc đẩy phát triển nông thôn. Trên cơ sở quy hoạch làng nghề, sẽ mở rộng quy mô các làng nghề hiện có và phát triển nghề mới. Xây dựng quy hoạch sử dụng đất tại các xã, thị trấn, tạo mặt bằng khuyến khích đầu tư vào phát triển TTCN-thương mại dịch vụ. Tiến tới sẽ rà soát hoàn thiện cơ cấu và quy hoạch ngành nghề của các huyện, thành phố.

Đồng thời, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế trong tình hình mới. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi về mặt cơ chế, chính sách cho các hộ sản xuất TTCN đăng ký sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các hộ chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc tham gia các HTX.

Thực hiện các biện pháp tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực thuê hoặc cấp đất phục vụ sản xuất kinh doanh, chính sách vay vốn tín dụng, ưu đãi và bảo lãnh tín dụng. Khuyến khích phát triển và tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, HTX, hiệp hội làng nghề, ngân hàng trong sản xuất, tiêu thụ nông sản…

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy