Đại dịch Covid - 19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành bán lẻ trong những tháng đầu năm 2020. Vài tháng trở lại đây, dù hoạt động kinh doanh, mua bán đã có sự khởi sắc nhưng doanh thu của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong 10 tháng năm 2020 vẫn bị sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Vì vậy, các siêu thị, cửa hàng đang thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Thay đổi cơ cấu hàng hóa dự trữ
Theo Sở Công thương, trong 10 tháng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của hầu hết các siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019. Một số nhà phân phối, cửa hàng tạm ngưng hoạt động trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp những tháng đầu năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh 10 tháng đầu năm ước đạt trên 18.877 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2019 – đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Là đơn vị kinh doanh có nhiều lợi thế về giao thông, địa lý như nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên), xung quanh có nhiều khu công nghiệp, lượng công nhân ngoại tỉnh tạm trú đông…, từ đầu năm đến nay, Siêu thị Lan Chi Đồng Văn vẫn duy trì khá tốt lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, doanh thu của siêu thị trong 10 tháng qua vẫn giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, nhất là với mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, điện máy...
Ông Lê Văn Phòng, Giám đốc Siêu thị Lan Chi Đồng Văn cho biết: Ngoài thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Lan Chi Đồng Văn vẫn thu hút khá đông khách đến mua sắm. Thế nhưng, thói quen tiêu dùng của người dân trong và sau đại dịch Covid-19 đã có sự thay đổi lớn. Nếu như trước đây, khách hàng đến Lan Chi thường chọn mua hàng hóa với số lượng lớn để được hưởng ưu đãi tốt hơn và không mất thời gian đi siêu thị nhiều lần, thì hiện nay, do thu nhập bị giảm sút nên người dân chỉ mua những sản phẩm thật sự cần thiết và chọn mua sản phẩm có dung tích nhỏ.
Qua khảo sát một số kênh phân phối khác như trung tâm thương mại, đại lý bán lẻ, cửa hàng tiện ích lớn trên địa bàn tỉnh cho thấy, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid - 19, doanh thu bán hàng trong 10 tháng năm 2020 giảm từ 10 đến trên 30% so với cùng kỳ năm 2019. Từ quý III/2020, hầu hết các đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng hóa tích trữ khá dồi dào để phục vụ tiêu dùng những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021.
Để phù hợp với tâm lý và nhu cầu tiêu dùng của người dân sau ảnh hưởng từ dịch bệnh, các siêu thị, cửa hàng đã có sự điều chỉnh trong cơ cấu nguồn hàng theo hướng hạn chế các mặt hàng cao cấp có giá thành cao, như rượu, bánh nhập khẩu; đồng thời tăng tỷ lệ các sản phẩm bình dân được sản xuất trong nước với mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Theo nhiều chủ cửa hàng, đại lý bán lẻ, giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong những tháng gần đây và cả thời điểm cuối năm cơ bản được giữ ổn định, không tăng so với năm ngoái.
Đa dạng chương trình kích cầu tiêu dùng
Ngoài việc tăng dự trữ hàng hóa thiết yếu, bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021, các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ còn triển khai đa dạng các chương trình kích cầu tiêu dùng, như: giảm giá sản phẩm, tặng quà kèm theo sản phẩm, nhân điểm tích lũy cho các thành viên, bán hàng đồng giá, tăng thời hạn bảo hành sản phẩm với các chính sách hậu mãi tốt...
Chị Phạm Thị Trang – một tiểu thương tại chợ Bầu (thành phố Phủ Lý) cho biết: Tôi bán đa dạng các mặt hàng nhưng chủ yếu là hàng thời trang Việt Nam xuất khẩu. Dịch Covid – 19 khiến sức mua giảm hẳn. Để cải thiện doanh thu, tôi phải kết hợp bán hàng trực tuyến và thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng, như: giảm giá 5-10% và miễn phí giao hàng khi khách hàng mua từ 2 sản phẩm trở lên; đơn hàng trị giá từ một triệu đồng thì được giảm 100.000 đồng hoặc tặng kèm một sản phẩm khác, như son dưỡng môi, kem dưỡng da…
Theo Sở Công thương, nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường cuối năm đến từ 3 nguồn: các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường; hệ thống chợ; các doanh nghiệp, cửa hàng khác. Năm nay, riêng đối với nguồn hàng dự trữ từ phía các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán có tổng giá trị hàng hóa khoảng 30 tỷ đồng.
Hằng năm, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh kích cầu tiêu dùng, Sở Công thương đều tổ chức các hội chợ, triển lãm, nhất là các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Để kích cầu tiêu dùng cuối năm 2020, ngoài 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Văn Xá (Kim Bảng) và Thanh Nghị (Thanh Liêm), vào cuối tháng 12/2020, Sở Công thương sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội chợ hàng Việt Nam tại thành phố Phủ Lý.
Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh: Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hội chợ, phiên chợ hàng Việt, những tháng cuối năm, Sở Công thương sẽ tích cực rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn tỉnh thực hiện hàng trăm chương trình khuyến mại, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, nắm bắt tình hình cung – cầu, giá cả các loại hàng hóa để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp.
Có thể thấy, năm 2020, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tác động của đại dịch Covid – 19 thì các chương trình đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong “mùa” tiêu dùng cuối năm chính là giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ tháo gỡ khó khăn, cải thiện doanh thu bán hàng.
Nguyễn Oanh