Chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù là một trong những chính sách quan trọng mang ý nghĩa nhân văn, giúp những người thi hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm khi trở về địa phương. Tại Hà Nam, sau hơn một năm triển khai chương trình này, bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp cho nhiều cá nhân từng bước có cuộc sống ổn định.
Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Hà Nam, ước đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn huy động cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định 22) được giao là 7 tỷ 570 triệu đồng; trong đó nguồn Trung ương 5 tỷ 570 triệu đồng, nguồn ngân sách tỉnh 2 tỷ đồng. Doanh số đạt 7 tỷ 370 triệu đồng, với 80 lượt người chấp hành xong án phạt tù ở 46/109 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được vay vốn. Đáng chú ý đã có 04 khách hàng trả nợ trước hạn 502 triệu đồng.
Qua thực tế cho thấy, người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương được vay vốn đều chấp hành tốt quy định của pháp luật, không vi phạm các tệ nạn xã hội. Phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng CSXH. Để có được kết quả trên, Ngân hàng CSXH đã phối hợp với công an các huyện, thành phố, thị xã tham mưu với chính quyền địa phương ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai Quyết định số 22 trên địa bàn; khẩn trương tổ chức tập huấn cho ban giảm nghèo, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, trưởng thôn, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ cho vay; tập trung tuyên truyền, phổ biến về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về chính sách, công tác triển khai, kết quả thực hiện, đặc biệt là tuyên truyền về các mô hình vay vốn có hiệu quả để tạo sức lan toả. Lực lượng công an cơ sở nghiêm túc thực hiện việc rà soát, lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để làm căn cứ cho NHCSXH triển khai cho vay bảo đảm minh bạch, đúng người, đúng đối tượng.
Ông Trần Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam cho biết: Theo Quyết định 22 quy định đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù, với mức cụ thể. Cho vay đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa đối với người chấp hành xong án phạt tù là 100 triệu đồng/người; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Thông qua nguồn vốn vay, không chỉ tạo điều kiện cho người hoàn lương thúc đẩy quá trình hòa nhập với cộng đồng, mà còn làm giảm nguy cơ tái phạm, từ đó góp phần tạo ra nền tảng thuận lợi cho việc bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Trong thời gian qua, chi nhánh chỉ đạo các phòng giao dịch tiếp tục phối hợp với công an các xã, thị trấn, chính quyền địa phương để triển khai tốt chương trình, hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục vay vốn theo quy định, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn này.
Để triển khai Quyết định 22 hiệu quả trong năm 2025 Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn ủy thác; đồng thời đề xuất ngân hàng CSXH Trung ương phân bổ nguồn vốn cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người chấp hành xong án phạt tù; tiến hành rà soát, lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn bảo đảm minh bạch, đúng người, đúng đối tượng.
Cùng với đó chi nhánh yêu cầu Phòng Giao dịch ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với nguồn vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Ngân hàng CSXH, Chi nhánh Hà Nam phát động các phong trào thi đua, khuyến khích, động viên các đơn vị, cá nhân tăng cường triển khai Quyết định số 22; phấn đấu 100% số xã có phát sinh dư nợ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù; phấn đấu có phát sinh cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn.
Trần Thoan