Quan tâm xử lý môi trường trong chăn nuôi bò sữa

Chăn nuôi bò sữa (CNBS) đang được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, quy mô tổng đàn bò sữa càng tăng, áp lực về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi càng lớn. Bởi hiện nay, các hộ chăn nuôi chưa có các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi một cách hiệu quả.

Hộ ông Đào Văn Điền được tạo điều kiện phát triển đàn bò sữa trong khu CNBS tập trung ở xã Trác Văn (Duy Tiên). Hiện, gia đình ông Điền có 39 con bò, bê sữa, tăng đáng kể so với thời kỳ đầu mới nuôi. Ông Điền rất vui, vì những yếu tố bảo đảm cho phát triển CNBS đang dần được củng cố và ổn định. Gia đình ông Điền cũng muốn tăng quy mô tổng đàn bò sữa trong thời gian tới. Tuy nhiên,  ông Điền vẫn hết sức lo lắng, vì hiện nay, ông chưa tìm được giải pháp tốt để xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Chất thải từ khu CNBS tập trung ở xã Trác Văn (Duy Tiên) thải ra kênh tiêu, gây ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, môi trường xung quanh khu CNBS tập trung ở Trác Văn đã bị ô nhiễm vì chất thải từ CNBS gây ra. Con kênh nhỏ nằm dọc tuyến đường vào khu CNBS luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối, đen kịt, đậm đặc. Chất thải trong kênh chảy và ngấm vào đất của khu trồng cây ăn quả, khu trồng lúa của các hộ dân gần khu CNBS. Người dân trong khu vực bức xúc vì ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng tới sản xuất và đã kiến nghị lên chính quyền địa phương. Bản thân ông Điền cũng bất an do chưa tìm được phương án xử lý chất thải chăn nuôi một cách hiệu quả. Gia đình ông Điền có hầm biogas, nhưng dung tích hầm biogas quá nhỏ so với lượng chất thải hằng ngày. Hầm biogas bị quá tải, phần lớn chất thải chăn nuôi buộc phải xả thẳng ra môi trường.

Theo ông Điền, với quy mô 40 con, mỗi ngày thải khoảng 1 tấn, bao gồm cả chất thải rắn và chất thải lỏng. Với lượng chất thải lớn như vậy, hiện không có hầm biogas nào xử lý được. Không chỉ có gia đình ông Điền, các hộ CNBS ở Trác Văn cũng chưa có cách nào xử lý chất thải chăn nuôi triệt để. Các hộ CNBS trong khu đã đề nghị với chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện về diện tích đất để làm nơi chứa và xử lý chất thải chăn nuôi tập trung. Ông Điền cũng tính đến việc mua một máy ép phân bò, giảm lượng chất thải phải đem đi xử lý.

Chính quyền xã Trác Văn đã nhận thấy rõ những tác động xấu từ ô nhiễm môi trường ở khu CNBS. Trác Văn  mong muốn phát triển CNBS theo hướng bền vững, nhưng để đạt được mục tiêu đó, đi cùng với phát triển tổng đàn bò sữa, công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi phải được quan tâm, thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ như giải pháp phát triển tổng đàn. Vì hiện nay, ô nhiễm môi trường đang ngày một gia tăng, không thể xem nhẹ, nếu ô nhiễm không được xử lý kịp thời, sẽ để lại những hệ lụy khó khắc phục.

Tỉnh ta hiện có 11 khu đang triển khai CNBS với tổng số 97 trại, tổng đàn bò trên 1.670 con, chiếm trên 60% tổng đàn bò sữa toàn tỉnh. Hầu hết các hộ dân trong khu CNBS tập trung đều chưa áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả, chỉ một phần chất thải chăn nuôi được xử lý qua hệ thống hầm biogas. Xử lý môi trường đối với CNBS đang trở thành vấn đề hết sức nan giải. 

Người chăn nuôi hiểu rõ, việc xử lý môi trường là giải pháp quan trọng để phát triển CNBS theo hướng bền vững. Các hộ CNBS mong muốn, cùng với phát triển tổng đàn bò sữa, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến các giải pháp, hỗ trợ người dân xử lý môi trường chăn nuôi.

UBND tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm Biogas cho các hộ CNBS. Đồng thời, khuyến khích các hộ dân tích cực ứng dụng công nghệ tiên tiến để xử lý môi trường ngay tại trang trại. Song, do tổng đàn bò sữa đang tăng lên, đối với những hầm biogas dung tích nhỏ không thể xử lý chất thải một cách triệt để. Quy mô diện tích trang trại CNBS của các hộ dân có hạn, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng dẫn và chứa chất thải chăn nuôi tập trung không có.

Về giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong CNBS, theo Sở NN&PTNT, trước mắt, các hộ chăn nuôi vẫn phải thực hiện xây dựng hệ thống xử lý chất thải có bể lắng bảo đảm tối thiểu 1 m3/con bò. Đồng thời, các hộ CNBS nên áp dụng các biện pháp xử lý bằng vi sinh vật, nuôi giun quế… Về lâu dài, rất cần có cơ chế thu hút đầu tư đối với vấn đề xử lý môi trường trong khu CNBS tập trung. Theo đó, lượng chất thải rắn trong chăn nuôi được vận chuyển đến khu xử lý tập trung, thành phân bón hữu cơ và cung cấp lại cho nông dân trồng trọt.

Theo giới chuyên môn, công nghệ hiệu quả đối với xử lý chất thải CNBS hiện nay chính là công nghệ tách, ép phân. Nghĩa là, chất thải sau khi được thu gom, được tách ra các phần. Một phần chất thải lỏng được xử lý bằng công nghệ biogas để tạo khí sinh học làm chất đốt, một phần chất thải rắn được xử lý bằng chế phẩm sinh học thành phân hữu cơ, phần còn lại được xử lý bằng hệ thống lắng, lọc, sục khí.

Thực tế cho thấy, CNBS đang cần các giải pháp đồng bộ để xử lý chất thải. Sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững, nếu những quy định về xử lý chất thải trong CNBS không được  thực hiện hiệu quả và giám sát chặt chẽ.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy