Kênh mương ở Bình Lục bị ô nhiễm nghiêm trọng

Kênh mương trên địa bàn hiện nay trở thành bãi đổ rác thải, chất thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có thời điểm kênh quá ô nhiễm không bảo đảm chất lượng nước tưới cho đồng ruộng… Đây là đánh giá của ông Đỗ Xuân Hiển, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Bình Lục về tình trạng ô nhiễm trên các tuyến kênh mương tại địa phương.

Bác Ngô Thị Thám, xóm Miễu, xã Vũ Bản có quán bán hàng ngay sát kênh tưới chính KTB, khu vực cầu qua kênh vào thôn Văn Ấp (xã Bồ Đề) bức xúc nói: Cả năm không lúc nào trên đoạn kênh này thiếu rác, chất thải chăn nuôi và kể cả xác động vật chết. Có thời điểm các loại rác, chất thải nhiều chặn cả lòng kênh gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vào những ngày trở trời, ngồi trong quán tôi không thể chịu được mùi hôi thối…

Công nhân Cụm thủy nông khu C (Xí nghiệp Thủy nông huyện Bình Lục) vớt rác trên kênh KTB.

Qua tìm hiểu được biết, kênh tưới chính KTB thuộc hệ trạm bơm Hữu Bị, có nhiệm vụ tưới chủ động cho 865 ha, tạo nguồn gần 3.000 ha thuộc các xã khu C về vùng lân cận.

Từ lâu tuyến kênh này bị ô nhiễm nghiêm trọng từ rác thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi, nhất là vào mùa khô lòng kênh không có nước nhưng lại đặc kín chất thải chăn nuôi bốc mùi nồng nặc. Đây là lượng chất thải của hàng chục trang trại chăn nuôi thuộc xã Bồ Đề, An Ninh cho chảy trực tiếp ra kênh không qua xử lý.

Khi vào đợt bơm nước sản xuất vụ xuân, thường mấy ngày đầu các xã không mở cống lấy vào ruộng vì quá ô nhiễm sợ ảnh hưởng đến cây lúa sau này và sức khỏe người sản xuất. Lượng nước này phải để chảy ra hệ thống kênh tiêu gây lãng phí nước và kinh phí bơm tưới. Trên tuyến kênh KTB dài hơn 8 km, mỗi đợt tưới đơn vị quản lý phải vớt gần 20 m3 rác thải…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Cụm trưởng Cụm thủy nông Khu C (Xí nghiệp Thủy nông Bình Lục) cho biết: Công nhân thủy nông hiện nay làm luôn cả chức năng của công nhân môi trường thường xuyên đi xử lý rác thải, chất thải trên kênh. Tuy vậy, cũng không thể vớt xuể vì lượng rác quá nhiều phải thuê máy múc lên.

Nhiều tuyến kênh khác trên địa bàn huyện Bình Lục cũng đang trong tình trạng báo động vì ô nhiễm. Đoạn đầu kênh S17-5 sát với kênh chính S17 ngay trước trạm bơm xã Bối Cầu đang có khá nhiều chất thải chăn nuôi đổ ra đặc kín lòng kênh. Tình trạng này xảy ra thường xuyên, chỉ giảm đi ít nhiều sau mỗi đợt bơm tưới, sau đó lại ô nhiễm trở lại.

Hay kênh S1 trên địa bàn xã Hưng Công chịu trách nhiệm phục vụ cho 169 ha đất sản xuất cũng đang có rất nhiều chất thải chăn nuôi. Nặng nhất vẫn là các tuyến kênh nằm trên địa bàn xã Ngọc Lũ hầu như đều bị bồi lắng và đặc kín chất thải chăn nuôi. Có không ít diện tích đất sản xuất nằm xen khu dân cư chất thải chăn nuôi đổ ra nhiều tắc lòng kênh không thể tưới, tiêu đành phải bỏ không.

Lòng kênh ô nhiễm, nhưng ngay việc xử lý của đơn vị thủy nông cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Với chất thải chăn nuôi, đơn vị quản lý kênh tính toán việc nạo vét nhưng khó khăn nhất là không có chỗ đổ loại chất thải ô nhiễm này. Rác thải vớt lên nhưng việc đổ vào bãi tập trung của các xã rất khó khăn, nhiều nơi người dân không cho đổ vì sợ gây ô nhiễm, trong khi nhà máy xử lý rác thải chưa tổ chức thu gom trở lại.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường lòng kênh thiết nghĩ, cùng với đơn vị quản lý kênh, chính quyền các xã cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về Pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi; đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm đổ rác thải, chất thải ra lòng kênh… Có như thế, ô nhiễm môi trường trên kênh mới được giải quyết và bảo đảm năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp.                            

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy