Cần sớm xây dựng khu bảo tồn loài tại rừng Kim Bảng

Nói về triển vọng hình thành khu bảo tồn loài, tập trung chính là Vọoc quần đùi trắng tại vùng rừng Kim Bảng, ông Vũ Văn Cần, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Hiện nay, tỉnh đã có chủ trương thành lập Khu bảo tồn loài tại vùng rừng Kim Bảng. Đây là chủ trương đúng đắn để giữ gìn và bảo vệ tài nguyên rừng quý hiếm của tỉnh.

Sau gần 3 năm được Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế (FFI) tài trợ nghiên cứu và tìm hiểu tại vùng rừng của huyện Kim Bảng, loài vọoc quần đùi trắng đặc hữu quý hiếm được phát hiện thêm khá nhiều so với ban đầu. Hiện nay, tại rừng Kim Bảng đã phát hiện được tổng số 13 đàn Vọoc quần đùi trắng, với khoảng trên 70 con, nhiều gấp 2 lần so với nghiên cứu ban đầu vào đầu năm 2016. Không những vậy, Vọoc quần đùi trắng còn được phân bố rộng ra cả vùng rừng của khu vực thị trấn Ba Sao (ban đầu chỉ phát hiện ở vùng rừng Thanh Sơn).

Cùng với phát hiện Vọoc quần đùi trắng, trong quá trình nghiên cứu của FFI cho thấy vùng rừng Kim Bảng có các loài động, thực vật rất đa dạng, phong phú. Chỉ riêng các loài linh trưởng còn có số lượng không nhỏ khỉ vàng, khỉ mốc. Về thực vật, phát hiện được nhiều cây gỗ cao 30 – 40 m, đường kính từ 60 cm đến 1 m; chè hoa vàng thuộc loài thực vật đặc hữu...

Đặc biệt, còn phát hiện ngay trong lòng rừng Kim Bảng có cả khu rừng nguyên sinh gần như chưa có dấu chân người với hệ động, thực vật rất phong phú. Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn để bảo tồn loài tại rừng Kim Bảng là rất cần thiết.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kim Bảng đánh giá: Tìm hiểu và đánh giá mới thấy hết được giá trị còn lưu giữ trong diện tích rừng của Kim Bảng. Đặc biệt,  giá trị về mặt tự nhiên, môi trường rất lớn khó có thể đo đếm được.

Thành viên Tổ bảo vệ rừng cộng đồng đặt bẫy ảnh trong rừng Kim Bảng. 

Diện tích đất rừng Kim Bảng chiếm phần lớn rừng của tỉnh với hơn 3.000 ha, chủ yếu là rừng núi đá phòng hộ đầu nguồn. Trong đó, khu vực giàu tài nguyên rừng và có loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm Vọoc quần đùi trắng sinh sống có diện tích khoảng 1.500 ha, thuộc địa bàn xã Thanh Sơn, Liên Sơn và thị trấn Ba Sao.

Rừng của tỉnh hiện nay đều được phân cấp cho các địa phương trực tiếp quản lý, bảo vệ. Từ giữa năm 2016, khi FFI phát hiện Vọoc quần đùi trắng đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh thành lập Tổ bảo vệ rừng cộng đồng với 6 thành viên có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, bảo vệ đàn Vọoc quần đùi trắng. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn bẫy, săn bắn các loại động vật, chặt phá rừng...

Mặc dù đã có Tổ bảo vệ rừng cộng đồng, nhưng lực lượng rất mỏng và ban đầu chỉ tập trung bảo vệ vùng rừng thuộc xã Thanh Sơn. Chính vì thế, vẫn có hiện tượng người dân vào chặt cây và săn bắt trái phép động vật. Theo ông Lê Văn Hiên, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng, trong quá trình đi tuần tra, bảo vệ vẫn phát hiện thấy hiện tượng phá rừng và thu giữ được nhiều bẫy thú đặt trong rừng. Có cây gỗ đường kính 60 cm bị chặt hạ.

Được biết, diện tích rừng được dự định đưa vào khu bảo tồn rộng khoảng 2.000 ha, gồm 1.500 ha vùng lõi và 500 ha vùng đệm. Đây cũng là nơi Vọoc quần đùi trắng và các loài động, thực vật phong phú trong rừng sinh sống. Hiện nay, để hình thành khu bảo tồn, ngành nông nghiệp đang phối hợp với FFI tập trung điều tra, đánh giá cụ thể về quần thể Vọoc quần đùi trắng, cùng các loài động thực vật trên diện tích rừng Kim Bảng. Từ đó, xây dựng đề án khu bảo tồn trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Dù mới đang trong quá trình xây dựng đề án khu bảo tồn Vọoc quần đùi trắng, nhưng đây là tín hiệu vui đối với sự phát triển rừng nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Chỉ tính riêng về du lịch, khu bảo tồn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, nhất là những người ưa khám phá. Quan trọng hơn, khi có khu bảo tồn, rừng và tài nguyên rừng sẽ có chương trình được bảo vệ nghiêm ngặt để ngăn chặn tình trạng chặt phá, săn bắn trái phép. Để diện tích rừng trong khu vực trở thành “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường sống của nhân dân.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.