Nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi

Những năm qua, nguồn vốn cho vay từ chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Liêm thực hiện giải ngân vốn tín dụng dành cho hộ nghèo tại điểm giao dịch xã Thanh Tân. Ảnh: Thế Tuân

Vốn của ngân hàng được ủy thác cho vay thông qua hội, đoàn thể các cấp, do ngân hàng trực tiếp giải ngân. Khi có thông báo vốn của ngân hàng, các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV) tổ chức họp, bình xét cho vay theo đúng đối tượng và thường xuyên kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay.

Mặc dù có sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong công tác giải ngân, theo dõi, tập trung đôn đốc nợ đến hạn, song hiện nay ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh việc quản lý nguồn vốn cho vay vẫn còn hạn chế dẫn đến chất lượng tín dụng chưa cao.

Ông Lê Văn Xuyên, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Liêm cho biết: Tính đến hết tháng 9/2016, dư nợ cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể chính trị - xã hội của huyện lên tới  248.240 triệu đồng, song chất lượng tín dụng ở một số cấp hội còn nhiều yếu kém. Tỷ lệ nợ xấu từ các chương trình tín dụng ưu đãi là 1.483 triệu đồng, chiếm  0,60%, trong đó nợ quá hạn là 1.060 triệu đồng, chiếm 0,43% và nợ khoanh 308 triệu đồng, chiếm 0,12% tổng dư nợ. Nhiều hội, đoàn thể ở các xã có tỷ lệ nợ quá hạn cao như Thanh Hà, Liêm Thuận, Liêm Sơn, Thanh Bình, Thanh Phong.

Trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ tiêu thực hiện về dư nợ quá hạn được ủy thác cho vay thông qua hội, đoàn thể trong 9 tháng năm 2016 của hệ thống ngân hàng CSXH tỉnh chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ. Tại Hội Nông dân huyện Thanh Liêm, nợ quá hạn chiếm 0,53%; Hội Nông dân thành phố Phủ Lý 0,19%; Thành đoàn Phủ Lý 0,36%; Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bảng 0,29%; Hội Cựu chiến binh huyện Thanh Liêm 0,68% trên tổng dư nợ.

Nguyên nhân của thực trạng này, theo Ban đại diện Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, do công tác tuyên truyền về chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách thời gian qua ở hầu hết các huyện, thành phố còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến đầu tư tín dụng trên địa bàn.

Nhiều gia đình được vay theo chương trình hộ nghèo, đến khi đã thoát nghèo lại trây ỳ chưa trả nợ; một số hộ khác vay vốn nhưng đi khỏi địa bàn cư trú dẫn đến nợ gốc và lãi tiền vay chưa được thu hồi. Thêm nữa, hiện nay dư nợ cho vay chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có chiều hướng giảm (9 tháng năm 2016, toàn tỉnh giảm khoảng 70 tỷ đồng). Trong khi đó, nợ quá hạn của chương trình này lại có xu hướng gia tăng, bởi nhiều trường hợp học xong không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu không đủ khả năng trả nợ ngân hàng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nguồn vốn ưu đãi còn nhiều bất cập, một số chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị của Ngân hàng CSXH cấp huyện nhưng vẫn chưa thực sự quan tâm đến chế độ, chính sách tín dụng mà giao cho phó chủ tịch hoặc cán bộ lao động, thương binh và xã hội đảm nhiệm trọng trách tổ trưởng tổ đôn đốc thu hồi nợ quá hạn. Từ đó, thiếu biện pháp hữu hiệu trong chỉ đạo tổ chức thu hồi nợ quá hạn, nợ khó thu, lãi đọng của các hộ trên địa bàn. Cá biệt có cán bộ hội, đoàn thể còn xâm tiêu số tiền lãi vay và tiền gốc của các đối tượng làm ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng ưu đãi của địa phương.

Theo đánh giá những năm qua, chất lượng hoạt động của một số TTK&VV chưa đáp ứng yêu cầu. Trong tổng số các TTK&VV có hơn 57% tổ xếp loại tốt, 38% tổ xếp loại khá, 3,67% tổ trung bình, còn lại là yếu kém. Hạn chế trong hoạt động của một số TTK&VV không những làm ảnh hưởng đến việc đôn đốc thu lãi tiền vay, thu nợ gặp nhiều khó khăn, mà còn ảnh hưởng đến công tác huy động gửi tiền tiết kiệm ở tổ. Trong 9 tháng qua, các TTK&VV trên địa bàn mới thực hiện huy động tiền gửi đạt tỷ lệ 85,24% kế hoạch được giao.

Có thể nói, công tác quản lý nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình tín dụng trên địa bàn thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay với ngân hàng, TTK&VV chưa sát sao trong việc theo dõi, đôn đốc thu lãi tiền vay hằng tháng và nợ khi đến kỳ phải trả. Điều này dẫn đến chất lượng tín dụng chưa thực sự chuyển biến vững chắc. Trong 9 tháng năm 2016, một số đơn vị vẫn còn có nợ quá hạn cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh như: Hội sở tỉnh tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,21%, huyện Thanh Liêm tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,46% tổng dư nợ.

Để nâng cao chất lượng và tạo chuyển biến vững chắc trong hoạt động tín dụng, ông Trần Văn Thụy, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Vừa qua, toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình tập huấn cho cán bộ thôn, xóm, tổ trưởng TTK&VV, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn về nghiệp vụ, phương thức ủy thác cho vay thông qua tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ tín dụng nâng cao chất lượng đối chiếu nợ vay, tiền gửi tiết kiệm và phân tích thực trạng nợ tín dụng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp có hiệu quả với các hội, đoàn thể làm ủy thác, giải ngân, thực hiện các biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời những vi phạm về chế độ chính sách; chỉ đạo quyết liệt việc tập trung nhân lực, phương tiện để thu nợ, cho vay quay vòng nhằm hoàn thành sớm nhất chỉ tiêu kế hoạch năm 2016. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chính sách tín dụng ưu đãi, coi trọng tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ của hộ vay vốn ngay từ khi bình xét cho vay và giải ngân.

Phùng Đức Thống

Đức Thống, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy