Cho vay hộ nghèo - dễ mà khó…

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Hà Nam đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhờ vốn vay NHCSXH, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội vươn lên. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo tiêu chí đa chiều còn trên 3,4%. Nhu cầu vay vốn NHCSXH lớn, nhưng thực tế triển khai gặp không ít khó khăn.

Anh Ngô Văn Tuyển, thôn Đỗ Ngoại, xã Tiên Hải (TP. Phủ Lý) nhờ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế đã thoát nghèo.

Điểm tựa để thoát nghèo

Xã Tiên Hải (TP.Phủ Lý) là một trong những cơ sở đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo 2 năm qua nhờ khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Mặc dù là xã khó khăn, nhưng tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn 1,72% đến thời điểm này.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cách đây 2 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã là gần 9%. Đặc thù hộ nghèo ở đây là "hộ nghèo - khẩu nghèo", nghĩa là số hộ nghèo là những người cao tuổi ở riêng, không ở cùng con cháu chiếm tỷ lệ cao. Sau khi rà soát, vận động nhân dân thực hiện công tác giảm nghèo bền vững đúng quy định, gần 100 hộ nghèo thuộc diện người cao tuổi đã về ở cùng con cháu, bảo đảm cuộc sống ổn định, đầy đủ về vật chất và tinh thần. Số hộ nghèo còn lại được quan tâm vay vốn, giải quyết việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động, sản xuất kinh doanh… nhằm thoát nghèo.

Hiện tại, dư nợ tín dụng của xã là trên 40 tỷ đồng, trong đó vốn vay NHCSXH gần 8 tỷ đồng. Hàng chục hộ gia đình được xếp vào hộ "nghèo kinh niên", tưởng như không thể thoát nghèo, nhưng khi tiếp cận được với nguồn vốn đã mở mang sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Chẳng hạn như gia đình anh Ngô Văn Tuyển, thôn Đỗ Ngoại. Anh Tuyển sinh năm 1977 trong gia đình nghèo, cha mẹ ốm đau, bệnh tật nhiều năm. Lấy vợ, nuôi con nhỏ, cộng thêm người em khuyết tật, kinh tế gia đình chẳng khi nào no đủ. Hàng chục năm sống trong cảnh nghèo túng, năm 2001, nhờ Hội Phụ nữ xã, anh được tiếp cận với nguồn vốn vay giảm nghèo. Ban đầu với số vốn ít ỏi, anh Tuyển chỉ nuôi lợn nái. Sau đó, nhờ anh em họ hàng giúp đỡ thêm, anh mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi nhiều hơn. Kinh tế gia đình dần khấm khá. Cách đây 3 năm, gia đình anh Tuyển đã thoát nghèo. Cơ ngơi của anh là một trang trại chăn nuôi rộng 2 mẫu, cho thu nhập ổn định. Anh Tuyển cho biết: "Nhà nước cho chúng tôi vay vốn ưu đãi là cách tạo cơ hội thoát nghèo tốt nhất. Tuy nhiên, vốn vay hiện nay còn ít, chúng tôi vẫn phải vay thêm bên ngoài mới đủ để làm ăn".

Cũng giống gia đình anh Tuyển ở thôn Đỗ Ngoại, gia đình chị Nguyễn Thị Quy nhờ nguồn vốn NHCSXH đã vươn lên thoát nghèo. Chị Quy cho biết, đã có lúc chị nghĩ mình không có điều kiện gì để thoát nghèo. Chồng thì tàn tật, ngồi một chỗ. Con cái đang tuổi ăn học, chị làm đủ mọi nghề mà vẫn chỉ đủ trang trải cuộc sống một cách tằn tiện. Thấy hoàn cảnh chị quá khó khăn, là hộ nghèo hơn 10 năm trời, anh em họ hàng đã giúp đỡ cho gia đình chị vay tiền mua bò. Sau 5 năm, cặp bò của gia đình chị đã cho thu nhập vài chục triệu đồng, đủ để trả nợ và dôi dư cho con cái ăn học.

Cùng với đó, nguồn vốn vay học sinh, sinh viên cũng giúp cho các con chị được học hành đến nơi, đến chốn. Giờ con lớn của chị đã đi làm, con thứ hai đang học đại học. Chị Quy vui mừng cho biết: "…Cả cái nhà mới này cũng nằm trong diện ưu tiên hộ nghèo mà được xây dựng đấy! Bao nhiêu năm trời sống trong căn nhà ủ dột, bây giờ được vay vốn làm nhà. Năm ngoái, tôi đã thoát nghèo, chỉ còn cận nghèo. Vài ba năm nữa, cháu nhỏ ra trường đi làm, gia đình sẽ trả nợ hết cho ngân hàng thôi".

Trao đổi với ông Lê Văn Hoạch, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Hà Nam được biết, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo toàn tỉnh đến hết tháng 3/2017 hơn  253 tỷ đồng, hộ cận nghèo trên 580 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo gần 119 tỷ đồng, cho vay nhà ở hộ nghèo trên 21 tỷ đồng, cho vay học sinh sinh viên trên 164 tỷ đồng… Việc cho vay theo phương thức ủy thác đã tạo điều kiện để ngân hàng lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với chương trình khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả nguồn vốn, hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương được mở rộng, phong phú, có uy tín hơn.

Tính đến hết quý I, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 3,42%. Hàng nghìn lượt hộ nghèo nhờ nguồn vốn mà giải quyết được khó khăn về kinh tế, việc làm, học tập… Vốn vay NHCSXH thực sự là điểm tựa cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Vẫn còn những khó khăn

Báo cáo kết quả thực hiện công tác tín dụng của NHCSXH 3 tháng đầu năm cho thấy, nhiều chương trình tín dụng giảm dư nợ so với đầu năm như chương trình cho vay học sinh, sinh viên; cho vay hộ nghèo… Theo lãnh đạo NHCSXH Chi nhánh Hà Nam, nhu cầu vay vốn chương trình học sinh, sinh viên càng ngày càng giảm vì lý do nhiều gia đình khi con học xong không xin được việc làm, học đại học xong phải giấu bằng đi làm công nhân. Việc cho vay hộ nghèo phát triển kinh tế cũng không dễ dàng khi nhiều hộ nghèo chủ yếu là đơn thân cao tuổi. Nhu cầu vay vốn thì có nhưng điều kiện để trả nợ lại khó. Với mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, nhiều hộ nghèo khó có khả năng hoàn trả vốn.

Thực tế cơ sở cho thấy, hộ nghèo luôn mong muốn được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà cửa, cho con học hành, phát triển kinh tế, học nghề hoặc xuất khẩu lao động. Nhưng đa số hộ nghèo không dám vay. Bà Vũ Thị Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tiên Hải, cho biết: Nhiều hộ nghèo rất cần có vốn làm ăn, nhưng với số vốn ưu đãi tối đa 50 triệu đồng/hộ, hộ nghèo không thể đầu tư chuồng trại, con giống. Bản thân họ cũng sợ dịch bệnh, thiên tai không thu hoạch được nên không dám vay. Có nhiều hộ dám nghĩ dám làm, nhưng khi vay vốn, ngân hàng cũng phải khảo sát thực tế, đánh giá điều kiện không thể cho vay được đành thôi. Như năm nay, chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ đã vay ngân hàng để làm ăn, giờ giá lợn xuống thấp không biết lấy gì để trả nợ… Một số hộ nghèo khác mong muốn được vay vốn, nhưng mục đích không phải làm ăn, mà vay hộ con cháu nên khi kiểm tra, phát hiện không đủ điều kiện cho vay, ngân hàng cũng không thể cho vay. Bà Nga nói: "Những hộ này hầu hết là đơn thân, đều trên 65 tuổi cả nên không nằm trong đối tượng cho vay phát triển kinh tế".

Từ thực tiễn đời sống người nghèo nảy sinh nhiều lý do mà bản thân họ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Hiện tại, NHCSXH đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm, đối tượng nghèo hiện chủ yếu là những đối tượng gặp nhiều khó khăn trong lao động sản xuất nên phần nào hạn chế hiệu quả cho vay hộ nghèo. Đó là thực tế không chỉ xảy ra trên địa bàn Hà Nam mà còn ở nhiều địa phương khác.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy