Sáng 13/9, chúng tôi về làng Gốm Quyết Thành (thị trấn Quế, Kim Bảng) để nắm tình hình của người làng nghề nơi đây trước cơn lũ lớn.
Nằm ven sông Đáy, làng nghề Gốm Quyết Thành từ lâu nổi tiếng với các sản phẩm chum, vò, vại, tiểu sành được làm thủ công bằng tay, nung than, củi trong các lò bầu đắp đất truyền thống. Năm nay sông Đáy bị lũ, nước lên cao chưa từng thấy trong mấy chục năm qua. Sáng ngày 13/9, với mức lũ vượt báo động 3 hơn 1 mét, nhiều nhà xưởng của làng nghề Gốm Quyết Thành bị ngập sâu cả mét nước.
Anh Lại Tuấn Sơn, chủ lò gốm Liên Kiểm – một trong những cơ sở sản xuất của làng nghề chia sẻ với chúng tôi: Đã 3 ngày đêm người làng nghề chúng tôi gần như không ngủ để canh nước và chạy sản phẩm. Do nằm ven sông, nên khi xây dựng, các chủ lò đã chủ động bố trí nhà xưởng, các lò bầu hạn chế bị ngập lụt, nhưng do mực nước lũ năm nay lên quá cao, hầu hết lò bầu cổ của các cơ sở sản xuất ở làng nghề đều bị ảnh hưởng.
Theo chủ cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm Lại Tuấn Sơn, do ảnh hưởng của mưa lũ, những ngày qua, cơ sở của anh bị hư hỏng gần 100 sản phẩm gốm mộc đã hoàn thiện (sản phẩm chỉ còn 1 công đoạn nung đốt - PV). Điều lo lắng hơn cả là các sản phẩm trong lò bầu cổ của gia đình vừa cho đốt xong thì gặp nước lũ. Hiện trong lò bầu có khoảng 3.000 sản phẩm. Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm nghề của bản thân và học hỏi cách đối phó với mưa lũ trong quá trình đốt lò gặp mưa, lũ, mặc dù anh đã cho bịt toàn bộ những điểm có thể hấp hơi nước vào trong lò nhằm không gây “sốc nhiệt” đối với các sản phẩm gốm nung, nhưng trước tình trạng nước lũ đã xâm nhập vào khoang giữ nhiệt của lò gốm, anh dự kiến vẫn sẽ có khoảng 50% sản phẩm trong lò bầu có nguy cơ bị hư hỏng, thiệt hại khoảng từ 50-70 triệu đồng. Ngoài ra, đối với các sản phẩm gốm mộc bị hư hỏng, cơ sở cũng mất khá nhiều công làm đất, công chuốt và công hoàn thiện sản phẩm.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đó là những thiệt hại trước mắt, có thể định tính được qua sản phẩm, còn những thiệt hại mà không dễ đo đếm được. Trước tiên có thể thấy, người làng gốm Quyết Thành sẽ phải mất rất nhiều thời gian để xử lý lại môi trường, sắp xếp lại nhà xưởng, cơ sở sản xuất sau khi nước rút. Tại các cơ sở, nhiều nguyên vật liệu của làng nghề là đất sét, than, củi… được tập kết đã bị hư hỏng. Những nguyên liệu này khi gặp nước bị hòa tan, gây nhiều hệ lụy, khiến các cơ sở mất nhiều thời gian, công sức để dọn dẹp, xử lý. Hai là, các lò bầu khi bị ngập nước, tường lò bị ẩm, có khi mất cả tháng nữa cũng chưa chắc đi vào hoạt động trở lại được. “Trước tình trạng này, các đơn hàng của cơ sở từ nay đến Tết Nguyên đán chúng tôi phải tạm hủy, không dám nhận, vì không biết tình hình lũ lụt như thế nào, và sau lũ để phục hồi được sản xuất, nhanh nhất cũng phải một tháng”. Anh Sơn chia sẻ.
Trước tình hình thiệt hại do mưa, lũ gây ra và với mực nước lũ đi vào lịch sử như năm nay đặt ra một số vấn đề đối với các cơ sở sản xuất gốm Quyết Thành. Đó là, chủ động cải tạo, nâng cao nền nhà xưởng, bầu lò để tránh nước lũ. Là nghề đặc thù, sản phẩm làm thủ công, mất nhiều công sức, trong khi đó, thiên tai, bão lũ năm nào cũng sẽ xảy ra và càng ngày càng diễn biến khó lường, nếu bị động như hiện tại, thiệt hại là không thể đo đếm được. Cùng với đó, công nghệ nung đốt sản phẩm cũng cần có sự thay đổi. Thay vì đốt bằng than, củi truyền thống từ xa xưa, một số lò gốm tại đây đã chuyển sang sử dụng cộng nghệ ga, điện để nung đốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực hiện chuyển đổi công nghệ đồng thời cũng sẽ giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường do khói lò gây ra và một phần nguyên, nhiên liệu của làng nghề (than, củi). Được biết, tại làng gốm hiện nay, có 5 cơ sở sản xuất thì 2 cơ sở đã đầu tư mới, thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ lò ga, điện… nên trong đợt lũ này không bị ảnh hưởng nhiều. 3 cơ sở còn lại có các lò bầu truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề hơn vì cốt lò xây dựng từ nhiều năm nay, nền nhà xưởng thấp trũng, không đối phó được khi nước sông dâng cao.
Qua đây, người làng nghề mong các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, vốn vay ưu đãi cho các cơ sở sản xuất có dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà xưởng, đổi mới công nghệ làm nghề. Đây cũng là giải pháp giữ vững ngành nghề truyền thống, xây dựng các làng nghề truyền thống trở thành điểm đến văn hóa, lịch sử, thúc đẩy các hoạt động du lịch, văn hóa, thương mại ở địa phương phát triển.
Vũ Hà