Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho hộ sản xuất nhỏ

Rau, củ là nguồn thực phẩm quan trọng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, các hộ sản xuất rau lại thiếu những yếu tố bảo đảm cho sản xuất ổn định và phát triển bền vững.

Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án "Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho hộ sản xuất nhỏ". Mục tiêu là xây dựng bằng chứng về lợi ích đối với hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng sản phẩm (PGS) và thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho các chuỗi giá trị rau an toàn, rau hữu cơ.

Tổ chức VECO Việt Nam là đơn vị phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai dự án xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho hộ sản xuất nhỏ tại Hà Nam, giai đoạn 2017 - 2021. VECO Việt Nam thuộc tổ chức Vredeseilanden (Bỉ), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đơn vị tài trợ hơn 1,3 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Ông Hoàng Thanh Hải, Điều phối quốc gia của VECO Việt Nam cho biết: Chương trình của VECO hướng tới thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng thực phẩm bền vững bằng cách khai mở khả năng canh tác bền vững cho nông hộ nhỏ. Việc hướng tới nhóm đối tượng quan trọng này chỉ có thể đạt được thông qua những thay đổi, cải thiện môi trường và thể chế kinh doanh.

Nông dân thôn Thanh Nộn, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) áp dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn trên vùng đất bãi ven sông Đáy.

Anh Trần Ngọc Dũng, nông dân sản xuất rau an toàn ở xã Bình Nghĩa  (Bình Lục) cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với sản xuất rau an toàn chính là thiếu kỹ năng tổ chức sản xuất và làm thị trường. Vì vậy, nông dân sản xuất rau an toàn luôn đối mặt với tình trạng "được mùa mất giá, mất mùa được giá" nên hiệu quả sản xuất đem lại không cao.

Xã Bình Nghĩa có điều kiện thuận lợi về đất đai để phát triển sản xuất rau an toàn. Năm 2015, xã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, với diện tích 2 ha. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn nên đến nay mô hình khó mở rộng quy mô sản xuất.

Xã Thanh Sơn (Kim Bảng) cũng có 20 ha đất màu, thuận cho sản xuất các loại cây rau màu. Thanh Sơn đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, hỗ trợ các hộ tham gia mô hình làm nhà lưới. Chính quyền xã khẳng định, mô hình ở đây chưa nâng cao được hiệu quả kinh tế,  nguyên nhân chủ yếu là vì khâu tiêu thụ sản phẩm bấp bênh; nông dân sản xuất quy mô nhỏ, chưa có kế hoạch sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Bình Nghĩa và Thanh Sơn là 2 xã được chọn tham gia dự án xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững trong năm 2018 của tỉnh. Nông dân và lãnh đạo các  xã đều mong muốn tham gia dự án, tiếp cận với phương thức tổ chức sản xuất mới đối với rau an toàn. Vấn đề được quan tâm nhất khi triển khai dự án, đó là dự án sẽ tác động như thế nào đến việc thay đổi hành vi và nhận thức của nông dân đối với sản xuất rau an toàn? Vai trò hỗ trợ của Nhà nước đối với hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng được thể hiện ở khía cạnh nào?

Theo khảo sát từ VECO, nông hộ ở Hà Nam còn hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường, thiếu kỹ năng và kiến thức về các thực hành bền vững. Thực tế, các thực hành nông nghiệp đã không đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường có giá trị cao hơn. Để góp phần làm cho sản xuất và tiêu dùng bền vững trở thành quy chuẩn mới, VECO sẽ áp dụng kết hợp ba chiến lược. Một là, tăng cường năng lực cho các đối tác để nâng cao kỹ năng tổ chức, sản xuất và kinh doanh của các tổ chức nông dân (nông dân, HTX, tổ hợp tác). Hai là, khuyến khích sáng kiến bằng cách đầu tư vào các phương pháp đổi mới, thúc đẩy các mô hình kinh doanh có sự tham gia của nông hộ  nhỏ, ứng dụng công nghệ để liên kết  người tiêu dùng với thị trường. Ba là, tạo dựng một môi trường thuận lợi cho nông hộ  nhỏ xây dựng, củng cố các liên minh…

Một trong hai mục tiêu của dự án chính là thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho các chuỗi giá trị rau an toàn, rau hữu cơ, bao gồm cả hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng. Theo đó, các ngành liên quan sẽ cùng tham gia rà soát các chính sách hiện có liên quan đến hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, quản lý an toàn thực phẩm, theo dõi và xác định các sự kiện xúc tiến thương mại…

Bà Trần Thị Nga, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (đơn vị phối hợp trực tiếp triển khai dự án) cho biết: Đơn vị  sẽ cử cán bộ triển khai các hoạt động tổ chức tập huấn, hội thảo. Đồng thời, thực hiện các hoạt động liên quan đến tăng cường năng lực cho tổ chức nông dân.

Đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp là giải pháp để nâng cao thu nhập cho nông dân. Hy vọng, dự án xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cho nông hộ  nhỏ sẽ tác động trực tiếp, làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Từ đó, tạo ra sức lan tỏa để xây dựng ngày càng nhiều hơn chuỗi giá trị rau bền vững ở các địa phương trong tỉnh.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy