Vì sao sản xuất nấm ăn ngày càng thu hẹp?

Thực hiện Đề án phát triển nấm ăn, cả tỉnh có hơn 600 hộ tham gia, tổng diện tích sản xuất lên đến hàng nghìn m2. Sản xuất nấm ăn được xác định là nghề mới đem lại giá trị và thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay nghề trồng nấm ăn ngày càng thu hẹp.

Thực hiện Đề án phát triển nấm ăn, huyện Thanh Liêm xác định đây là một trong những hướng đi chính thay thế cho cây trồng vụ đông vốn luôn là điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp của huyện.

Được biết, để phát triển sản xuất nấm ăn, UBND huyện giao cho Hội Nông dân làm nòng cốt tuyên truyền, vận động hội viên tham gia. Cùng với đó, Hội Nông dân trở thành đầu mối hỗ trợ các hộ sản xuất vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật.

Thời kỳ cao điểm (năm 2013 - 2014), huyện Thanh Liêm có đến cả trăm hộ tham gia trồng nấm ăn và nấm dược liệu (linh chi). Một số hộ đã đầu tư xây dựng lò hấp tự sản xuất bịch giống nấm, sau đó chuyển sang trồng thương phẩm, đồng thời cung cấp cho các hộ có nhu cầu trồng trong vùng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này toàn huyện chỉ còn 7 - 8 hộ duy trì sản xuất. Đây đều là những hộ có lò hấp và tự sản xuất giống. Không chỉ giảm mạnh về số hộ, diện tích sản xuất nấm ăn của mỗi hộ cũng bị thu hẹp so với trước đây.

Mô hình sản xuất nấm ăn của chị Nghiêm Thị Thủy, thôn Vực, xã Liêm Cần (Thanh Liêm).

Cũng như Thanh Liêm, nghề trồng nấm ăn đang bị thu hẹp ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Ngay Công ty cổ phần mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam (ở xã Hoàng Đông, Duy Tiên) - nơi đầu tư nhà xưởng khá bài bản; nơi cung cấp giống và kỹ thuật chủ yếu cho các hộ trồng nấm ăn của tỉnh theo đề án; trực tiếp trồng và cung cấp các sản phẩm nấm ăn cao cấp như: nấm đùi gà, nấm kim châm… nhưng đến nay Công ty cổ phần mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam không còn duy trì nghề sản xuất nấm ăn.

Huyện Lý Nhân, một trong những địa phương từng phát triển nghề trồng nấm ăn khá mạnh nhưng đến nay toàn huyện chỉ còn 5 cơ sở duy trì sản xuất. Có những nơi từng sản xuất nấm ăn quy mô lớn: xây dựng lò hấp và diện tích trồng trên 1.000 m2/cơ sở nay đã ngừng hoạt động, như: HTX rau sạch Sông Hồng (Phú Phúc), HTX Đức Huy (Nhân Nghĩa)…

Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, hiện toàn tỉnh còn chưa đến 29 cơ sở sản xuất nấm ăn, giảm 40% so với đầu năm 2017. Những cơ sở còn hoạt động phần lớn quy mô sản xuất đều giảm so với trước đây. Ông Bạch Văn Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt  - BVTV (Sở NN & PTNT) cho biết: Nghề trồng nấm ăn của tỉnh đang bị thu hẹp đáng kể. Hiện chỉ còn những hộ thật sự tâm huyết mới duy trì sản xuất.

Hiện việc phát triển nghề trồng nấm đang gặp nhiều khó khăn dù trồng nấm hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều cây trồng khác (lợi nhuận đem lại đạt từ 30 đến trên 50% tổng giá trị thu được).

Cụ thể, sản xuất nấm sò với diện tích 60 m2 chi phí khoảng 25 triệu đồng tiền giống, sau thời gian thu hoạch được 35 - 40 triệu đồng… Đây là lý do mà khi triển khai đề án nhiều hộ đã đầu tư sản xuất quy mô lớn, xây dựng cả lò hấp sản xuất bịch giống. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến sản xuất nấm ăn bị thu hẹp như hiện nay?

Sản xuất nấm ăn đòi hỏi kỹ thuật cao từ làm giống, chăm sóc đến thu hái. Đây là hướng sản xuất an toàn, đòi hỏi môi trường sạch sẽ, không bị nhiễm bệnh… Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất nhiều cơ sở không đầu tư bài bản lán trại, chưa thực sự quan tâm đến môi trường dẫn đến nấm bị nhiễm bệnh mà không có biện pháp xử lý hiệu quả.

Bên cạnh đó, các giải pháp về khoa học kỹ thuật còn thiếu, phần lớn các hộ chỉ được chuyển giao giai đoạn đầu, sau đó không được tiếp tục cập nhật dẫn đến sản xuất kém hiệu quả. Nguyên nhân nữa là do một số hộ tham gia với mục đích lấy tiền hỗ trợ của tỉnh, hết hỗ trợ từ đề án là bỏ nghề.

Theo ông Bạch Văn Huy, để khôi phục và phát triển nghề trồng nấm ăn cần phải khởi động lại dự án, tiếp tục có sự hỗ trợ cho người dân. Trong đó, phải chú trọng nâng mức đầu tư cả về cơ sở vật chất và kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng người dân tham gia sản xuất với mục đích lấy tiền hỗ trợ, hết hỗ trợ là bỏ nghề.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy