Vẫn khó kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Kiểm soát tốt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, đặc biệt là ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và kiểm soát nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù đã có quy định cụ thể về hoạt động này, thế nhưng trên thực tế, kiểm soát giết mổ GSGC vẫn là lĩnh vực khó khăn và phức tạp.

Mỗi sáng, tại chợ Bầu (TP. Phủ Lý) có khoảng hơn 20 hàng bán các loại thịt GSGC đã qua giết mổ. Nhìn bằng cảm quan, các loại thịt có màu sắc bình thường, không có dấu hiệu mất VSATTP. Nhưng theo bà Vũ Thị Thư, Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý, chỉ khi nào kiểm soát chặt chẽ được khâu giết mổ GSGC mới biết được nguồn gốc của thịt, thịt có bảo đảm VSATTP hay không, động vật trước khi đem vào giết mổ có khỏe mạnh hay không.

Quy định về kiểm soát giết mổ động vật rất rõ ràng, song thực tế không dễ quản lý. Đội ngũ thú y ở phường, xã chủ yếu mới chỉ làm được một phần, đó là đôn đốc và nhắc nhở các cơ sở giết mổ động vật thực hiện tốt quy định về VSATTP vệ sinh khử trùng tiêu độc xung quanh khu vực giết mổ…

Một quầy kinh doanh gia cầm sống và giết mổ gia cầm ngay tại chợ Bầu (TP.Phủ Lý).

Theo Thông tư số 09 của  Bộ NN&PTNT quy định về kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, động vật đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật cần kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ; nước, nguyên liệu đầu vào; quản lý và xử lý chất thải. Đó là chưa nói đến quy định về kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y đối với động vật được sử dụng làm thực phẩm.

Nhiều hộ kinh doanh thịt GSGC tại chợ Bầu đều né tránh, không trả lời rõ ràng các câu hỏi của chúng tôi về công tác phối hợp và chấp hành các quy định về kiểm soát giết mổ GSGC. Một số ý kiến cho rằng: Quy trình kiểm soát mất thời gian và phức tạp. Các điểm giết mổ bắt đầu hoạt động khi trời chưa sáng để kịp mang sản phẩm ra chợ bán. Trong khi đó, cả phường, xã mới có một nhân viên thú y, chủ cơ sở không thể chờ nhân viên đến kiểm tra lần lượt rồi mới mang đi tiêu thụ. Cũng có những hộ kinh doanh không biết hoặc không quan tâm tới quy định này.

Theo phản ánh từ đội ngũ làm công tác thú y cơ sở, hầu hết các điểm giết mổ GSGC ở tỉnh có quy mô nhỏ, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Chủ cơ sở không xây dựng khu giết mổ theo quy chuẩn mà tận dụng vị trí còn trống, thuận tiện ngay trong khuôn viên gia đình để giết mổ GSGC, hoặc giết mổ gia cầm tại chợ.

Lực lượng kiểm soát hoạt động giết mổ GSGC chủ yếu là thú y cơ sở. Theo định biên, mỗi phường, xã chỉ có từ 1-2 nhân viên và cộng tác viên thú y, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ liên quan đến chăn nuôi và thú y. Lực lượng quá mỏng, trong khi, yêu cầu  nội dung kiểm soát cần thực hiện nhiều khâu, nhiều bước.

Trước khi  giết mổ GSGC, cần kiểm tra hồ sơ, sổ sách ghi chép nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ, kiểm tra thực hiện quy định vệ sinh đối với người tham gia giết mổ, kiểm tra lâm sàng động vật, lập sổ ghi chép và theo dõi các thông tin cần thiết. Sau khi giết mổ,  kiểm tra bệnh lý của sản phẩm thịt GSGC, đóng dấu kiểm định, tem vệ sinh thú y nếu sản phẩm thịt đạt hoặc không đạt về VSATTP…

Trước đây, có thời điểm, trạm thú y các huyện có thực hiện kiểm soát động vật sau giết mổ, đóng dấu kiểm định. Tuy nhiên, công tác này không duy trì được lâu do gặp phải quá nhiều khó khăn, nhất là không đủ nhân lực và kinh phí trả cho lực lượng làm công tác kiểm soát, các hộ kinh koanh dịch vụ giết mổ GSGC chưa tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong kiểm soát giết mổ.

Nếu chỉ làm được việc đóng dấu lên sản phẩm thịt, tức là mới chỉ quản lý được phần ngọn, vì không kiểm soát được nguồn gốc động vật. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đều tiến hành kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, nhưng cũng không thể quản lý xuể.

Năm 2017, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Kim Bảng, qua kiểm tra nguồn nước sử dụng tại 10 hộ giết mổ GSGC, với chỉ tiêu Coliforms, có 8/10 mẫu vượt ngưỡng cho phép từ 3-220 lần. Kiểm tra ngẫu nhiên 10 mẫu thịt tại cơ sở giết mổ, có 5/10 mẫu dương tính với khuẩn Salmonella; kiểm tra 10 mẫu thịt tại quầy kinh doanh, phát hiện có nhiễm khuẩn E.coli và Salmonella.

Làm thế nào để quản lý và kiểm soát tốt hoạt động giết mổ GSGC? Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Tiên khẳng định: Vấn đề quan trọng, cốt lõi là phải có khu giết mổ động vật tập trung cho các hộ kinh doanh giết mổ GSGC. Đồng thời, có cơ chế quản lý, vận hành, khuyến khích các hộ vào khu giết mổ GSGC tập trung để hoạt động. Hiện nay, các địa phương đều chưa có khu giết mổ động vật tập trung thì khó mà kiểm soát được giết mổ GSGC nhỏ lẻ.

Điều đáng nói là có quy định, có chế tài xử lý nhưng vẫn không thể thực hiện hiệu quả. Ở nhiều xã, chính quyền phó mặc cho đội ngũ thú y kiểm soát hoạt động này. Chỉ khi nào phát sinh các ổ dịch bệnh GSGC thì hoạt động giết mổ động vật mới được quan tâm. Trong khi đó, Luật Thú y quy định, UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý giết mổ động vật tập trung, các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển sản phẩm động vật trên địa bàn. 

Quản lý giết mổ GSGC cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, vai trò và trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với  quản lý hoạt động giết mổ GSGC là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm định.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.