UBND tỉnh nghe báo cáo một số nội dung liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp

Chiều 20/11, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe Sở NN&PTNT báo cáo một số nội dung liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, xử lý hạt giống phòng bệnh lùn sọc đen Phương Nam và chăn nuôi đàn bò thịt, bò sinh sản.

Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Theo báo cáo của Sở NN & PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 720 ha đất lúa chuyển đổi sang trồng ngô, cỏ, bưởi, ổi, cam, chuối. Trong đó, diện tích chuyển sang trồng cây ăn quả khoảng 310 ha; 806 ha được chuyển đổi sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Những mô hình chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng cũ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi chủ yếu mang tính tự phát, diện tích sản xuất mạnh mún, chất lượng sản phẩm thấp. Công tác quản lý của chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế, để người dân tự ý chuyển đổi dẫn đến phá vỡ quy hoạch.  

Để quản lý tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cần phải đảm bảo được các nguyên tắc: Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không làm mất đi các điều kiện canh tác để trồng lúa trở lại; cây trồng chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ, tạo ra vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; nghiêm cấm xây dựng nhà ở dưới mọi hình thức (kể cả nhà tạm, nhà trông coi)… Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở NN&PTNT đã đề xuất quy mô, diện tích nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án thí điểm khu quy hoạch chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao, đã thành lập được 5 mô hình trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao, quy mô lớn tại 3 khu quy hoạch ở 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục. Chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung bước đầu mang lại thu nhập khá, ổn định cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, việc triển khai, nhân rộng mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung vẫn còn nhiều khó khăn. Mục tiêu trong năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu tăng tổng đàn bò thịt và bò sinh sản chất lượng cao lên 33.000 con. Hiện nay, huyện Duy Tiên, Kim Bảng và Bình Lục đã xây dựng và phê duyệt 4 khu quy hoạch chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản.

Liên quan đến phòng chống bệnh virus lùn sọc đen và diệt chuột năm 2019, cơ quan chuyên môn khẳng định, đây là các đối tượng bệnh dịch nguy hiểm. Riêng bệnh virus lùn sọc đen không có thuốc đặc trị để phòng trừ. Biện pháp tốt nhất là xử lý hạt giống và phun thuốc trừ rầy cho mạ trước khi cấy. Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 100% thuốc xử lý hạt giống và toàn bộ kinh phí tập huấn kỹ thuật phòng bệnh lùn sọc đen cho 2 vụ lúa; hỗ trợ 50% thuốc diệt chuột cho các diện tích gieo trồng cây vụ đông.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung cho ý kiến tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản được vay vốn ưu đãi; hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác quy hoạch vùng chuyển đổi; tháo gỡ khó khăn trong dồn đổi diện tích phục vụ chăn nuôi. Nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát lại thực trạng chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở các địa phương, nhằm đánh giá cụ thể về mặt được và tồn tại sau chuyển đổi, đề ra những giải pháp về quản lý và tổ chức sản xuất vùng chuyển đổi trong thời gian tới. Ngành chức năng có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các địa phương để làm cơ sở thực hiện…

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Trương Minh Hiến, Phó chủ tịch UBND nêu rõ: Nhất trí với đề xuất của Sở NN&PTNT về cơ chế hỗ trợ thuốc diệt chuột và thuốc xử lý hạt giống phòng bệnh lùn sọc đen Phương Nam cho lúa. Liên quan đến thực hiện đề án phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, cần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện, góp phần nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, cần có tư duy mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn và phải tuân thủ các nguyên tắc. Dứt khoát phải chuyển đổi theo quy hoạch, chấm dứt chuyển đổi tự phát, nghiêm cấm việc xây nhà tạm, nhà trông coi trên vùng chuyển đổi. Quá trình thực hiện cần có khuyến cáo rõ về sản xuất các loại cây trồng, với quy mô phù hợp. Đến năm 2020, có khoảng 4000 ha diện tích chuyển đổi, bao gồm cả diện tích chuyển đổi tự phát…

B.Huệ - M.Hùng

Hùng Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy