UBND tỉnh nghe báo cáo Đề án thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp

Sáng 25/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) báo cáo Đề án thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hoá giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chủ trì hội nghị.

Dự thảo Đề án của Sở TN&MT, được xây dựng trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các sở, ngành chức năng, được chia làm 4 phần, gồm: Đặt vấn đề, đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và tập trung tích tụ đất đai tại Hà Nam; tích tụ tập trung đất đai; tổ chức thực hiện và các đề xuất kiến nghị.

Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Trong đó, nội dung dự thảo đề án nêu rõ chủ trương tích tụ đất đai góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường… Thông qua sản xuất của các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp từ phương thức truyền thống sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao tạo ra sản phẩm nông sản có khối lượng lớn, chất lượng cao, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ bền vững.

Những khu vực được quy hoạch là vùng nông nghiệp phấn đấu mỗi xã tích tụ 10 ha phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung; đối với các khu vực quy hoạch là khu nông nghiệp công nghệ cao phấn đấu mỗi khu quy hoạch thí điểm từ năm 2015 đến 2020 có 1 – 2 doanh nghiệp có quy mô diện tích từ vài chục ha đến hàng trăm ha. Thời gian thuê đất của người dân không quá 50 năm...

Từ thực tế đã được triển khai, để tạo thuận lợi tích tụ đất đai, Đề án đề xuất, kiến nghị với Chính phủ cho phép Hà Nam được thực hiện thí điểm tích tụ đất đai theo hình thức Nhà nước (cấp huyện, xã) thuê quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sau đó cho doanh nghiệp thuê lại để thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp quy mô, tập trung; cho phép tỉnh sử dụng vốn ngân sách tỉnh ứng trước để trả tiền thuê quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân cho toàn bộ thời gian thuê đất; thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đất xây dựng trụ sở văn phòng, nhà làm việc, xưởng sản xuất chế biến nông sản đối các dự án sản xuất nông nghiệp tập trung…

Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai; Luật Ngân sách… và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phù hợp trên cơ sở tích tụ đất đai. Trong đó, cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thuê đất nông nghiệp trực tiếp với các hộ gia đình, cá nhân…

Đồng chí Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở NN & PTNT phát biểu tham gia ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu phát biểu đóng góp ý kiến tập trung vào một số vấn đề chính: Đề án viết ngắn gọn, xúc tích (có phụ lục kèm theo), làm rõ hơn nội dung của đề án, trách nhiệm của chính quyền, các ngành chức năng, các tổ chức doanh nghiệp trong thực hiện tích tụ đất đai; kết quả tích tụ đất đai trên địa bàn tỉnh đạt được thời gian qua; có diện tích quy hoạch và thời hạn cụ thể trong giai đoạn nhất định...

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội nghị, kết luận hội nghị đồng chí Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Giao Sở TN & MT là cơ quan chủ trì hoàn thiện đề cương của đề án. Tên của đề án thống nhất: Đề án thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung giai đoạn đến năm 2020. Về bố cục đề án, phải có phần đặt vấn đề, thực trạng nông nghiệp của tỉnh, đi sâu vào phần đã tích tụ, hiệu quả đã đạt được, giải pháp và đề xuất kiến nghị. Trong đó, bổ sung công văn của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trong việc triển khai thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung làm căn cứ quan trọng xây dựng và thực hiện đề án.

Phần thực trạng, bám vào sản xuất nông nghiệp hiện tại theo hướng truyền thống đang vướng mắc do manh mún, không thể sản xuất hàng hóa tập trung; tích tụ ruộng đất thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Đề án phải nêu được cụ thể mục tiêu đặt ra của tỉnh trong giai đoạn 2020 tích tụ được 3.000 ha, với hình thức cho doanh nghiệp thuê lại, HTX và hộ cá nhân đứng ra đầu tư sản xuất. Tính xuyên suốt của đề án xin cơ chế để chính quyền các cấp đứng ra thuê đất của người dân cho các doanh nghiệp, tổ chức thuê lại; ứng ngân sách trả tiền trước cho dân thu lại tiền thuê đất của doanh nghiệp… Thời gian thực hiện, chậm nhất 30/9 đơn vị chủ trì (Sở Tài nguyên - Môi trường) hoàn thiện đề cương gửi các sở, ngành lấy ý kiến xây dựng đề án.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.