Triển vọng mô hình nuôi cá “Sông trong ao”

Tận dụng hơn 4ha diện tích ao nuôi của gia đình, anh Hoàng Văn Thường, thôn Đích, xã Tiêu Động (Bình Lục) đã mạnh dạn chuyển đổi, xây dựng mô hình nuôi cá “Sông trong ao”. Sau gần 4 tháng triển khai mô hình, lứa cá đầu tiên đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt và hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với 3 bể nuôi cá, gia đình anh Thường thả 1,5 vạn cá trắm và cá chép. Sau hơn 1 tháng nuôi, hiện cá đang sinh trưởng, phát triển tốt, không có dấu hiệu bị bệnh và trọng lượng trung bình của cá đạt khoảng 1,5 - 2kg/con. Ước tính, sau 6 tháng thu hoạch, sản lượng cá đạt 40 – 45 tấn, với kích cỡ trung bình 4 - 5kg/con cá trắm, 2-3 kg/con cá chép.

Nói về mô hình này, anh Thường cho biết: Việc áp dụng mô hình nuôi cá theo bể giúp thuận lợi hơn trong việc theo dõi và quản lý dịch bệnh của cá. Không chỉ vậy, môi trường nước cũng trong sạch hơn nhờ hệ thống máy hút xử lý phân; nguồn thức ăn dư thừa bảo đảm nên cá tăng trọng nhanh, thường xuyên vận động bơi ngược dòng giúp thịt cá săn chắc. Đặc biệt, với mô hình này, sau khi thu hoạch cá thì có thể nuôi tiếp lứa mới mà không cần xử lý đáy ao.

Mô hình nuôi cá “Sông trong ao” của gia đình anh Hoàng Văn Thường ở xã Tiêu Động (Bình Lục).

Với mục tiêu góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh theo hướng ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân, Đề án xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết năm 2018-2019 đã được UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT triển khai thực hiện.

Theo đó, trong năm 2018 triển khai thực hiện 02 mô hình điểm tại huyện Lý Nhân và huyện Bình Lục với diện tích khoảng 7,25 ha. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua cá giống và 30% kinh phí mua vật tư (chế phẩm xử lý môi trường, thuốc phòng chữa bệnh), tối đa không quá 210,25 triệu đồng/mô hình xây dựng tối thiểu từ 02 bể, theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư. Đồng thời, các mô hình được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật “sông trong ao” và được hướng dẫn quy trình sản xuất từ lựa chọn giống đến chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn, hiệu quả cao.

Trưởng phòng Thủy sản (Sở NN&PTNT) Trần Anh Tuấn cho biết: Thực hiện đề án của UBND tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 2 mô hình nuôi cá “Sông trong ao”, trong đó mô hình ở Bình Lục đã đi vào hoạt động 3 bể nuôi cá và đang trong quá trình theo dõi, đánh giá; mô hình ở Lý Nhân đã cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng và sẽ triển khai thả cá trong thời gian tới.

Nuôi cá “sông trong ao” là một phương pháp NTTS ứng dụng công nghệ cao, dựa trên nguyên lý cơ bản là tạo môi trường nước trong sạch và dòng chảy liên tục trong ao bằng hệ thống bể nuôi với thiết bị thổi khí nén, thiết bị đảo nước tạo oxy… để nuôi cá. Ở nước ta, mô hình này đang được một số hộ gia đình, HTX NTTS tại các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Giang đưa vào thực hiện từ năm 2016 và bước đầu cho thấy hiệu quả về môi trường, kinh tế, xã hội so với hình thức NTTS truyền thống.

Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này, người nuôi cá phải đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện khắt khe như: diện tích ao nuôi tối thiểu 0,5ha, xây dựng 1 bể (mô hình lý tưởng là 1,5ha với 3 bể), thể tích tối thiểu 10.000 m3 nước trở lên; người nuôi có trình độ, kiến thức nhất định trong NTTS (chăm sóc và nuôi cá, kiến thức xã hội, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm…). Đặc biệt là có nguồn kinh phí vì vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng, lắp đặt thiết bị ban đầu khá lớn, khoảng 200 - 250 triệu đồng/bể nuôi, chưa kể chi phí cải tạo ao nuôi, xử lý môi trường xung quanh và chi phí sản xuất lưu động (nguồn thức ăn, con giống, chất xử lý…).

Mặc dù mô hình nuôi cá “Sông trong ao” của gia đình anh Thường mới được triển khai, đang trong giai đoạn theo dõi, đánh giá nhưng thời gian qua gia đình đã nhận được sự quan tâm, tham quan của rất nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.

Trao đổi với chúng tôi về mô hình này, anh Thường cho biết: Thực hiện mô hình, gia đình được Sở NN&PTNT và cán bộ kỹ thuật của HTX Thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật xây dựng, vận hành bể, ao nuôi cá. Về giống và nguồn thức ăn, do có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá, tôi chủ động liên hệ, mua giống cá ở Gia Viễn (Ninh Bình) và thức ăn của Công ty thức ăn chăn nuôi 2D. Tổng nguồn kinh phí mà gia đình đầu tư, xây dựng 3 bể nuôi, cải tạo ao và lắp đặt trang thiết bị, máy móc là khoảng 1 tỷ đồng.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đồng hành với người nông dân trong quá trình theo dõi, chăm sóc và quản lý dịch bệnh để cá sinh trưởng, phát triển tốt. Phấn đấu năm 2019, toàn tỉnh xây dựng được 8 mô hình điểm nuôi cá “Sông trong ao”, tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng diện tích khoảng 19,55 ha. Sản lượng cá thương phẩm từ 45 tấn/mô hình/năm trở lên; tổng sản lượng cá thương phẩm của các mô hình đạt khoảng 360 tấn/năm trở lên với giá trị sản xuất khoảng 27.888 triệu đồng/năm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững.

Nguyễn Hiền

Nguyễn Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy