Tập trung tích tụ ruộng đất sản xuất nông sản sạch

Năm 2017, tỉnh ta có chủ trương và đặt mục tiêu mỗi xã tích tụ từ 10 ha trở lên để sản xuất nông sản sạch (nấm ăn, rau, củ, quả sạch, lúa chất lượng cao) liên kết với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, theo báo cáo của Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh, toàn tỉnh đã có 71/105 xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và đăng ký tập trung, tích tụ ruộng đất (TTRĐ) để làm vệ tinh, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản sạch.

Trong đó, 40 xã tích tụ từ 10 ha trở lên, với tổng diện tích 906 ha, gồm: Huyện  Kim Bảng 18 xã, Thanh Liêm 6 xã, Duy Tiên 3 xã, Lý Nhân 3 xã và thành phố Phủ Lý 5 xã. Các mô hình đăng ký chủ yếu tập trung sản xuất lúa hàng hóa 540,5 ha; rau, củ, quả, nấm 255,5 ha. 

Sản xuất rau an toàn tại  HTX dịch vụ Đức Huy, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân).

Tìm hiểu được biết, các huyện, thành phố đã tích cực triển khai TTRĐ liên kết sản xuất nông sản sạch với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Như thành phố Phủ Lý, việc TTRĐ liên kết sản xuất rau, củ, quả sạch khó khăn do đất nông nghiệp bị thu hẹp, hệ thống kênh mương chia cắt. Hiện, thành phố quy hoạch được 5 mô hình, đã tổ chức sản xuất 1 mô hình, nhưng mới dừng lại ở sản xuất lúa hàng hóa.

Tại huyện Duy Tiên mới có 3 xã tiến hành tích tụ được diện tích từ 10 ha trở lên. Riêng mô hình liên kết trồng rau, củ, quả sạch chưa có xã nào thực hiện đủ quy mô 10 ha theo yêu cầu. Ngay với xã Trác Văn, nơi đã triển khai thành công mô hình trồng rau hữu cơ cũng chỉ thực hiện được 5 ha, diện tích còn lại mới dừng ở việc quy hoạch.

Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Duy Tiên cho biết: Chủ trương tích tụ đất đai trồng rau, củ, quả, nấm, lúa chất lượng của tỉnh đã được huyện triển khai xuống các xã, thị trấn. Tuy nhiên, việc thực hiện đang gặp nhiều khó khăn ngay từ việc quy hoạch vùng đến tổ chức sản xuất.

Tìm hiểu tại xã Đồng Hóa (Kim Bảng), nơi có sản xuất nông nghiệp phát triển, nhất là phong trào vụ đông luôn dẫn đầu với hàng trăm ha cây trồng hàng hóa xuất khẩu các loại mỗi năm. Khi có chủ trương xây dựng mô hình 10 ha, Đồng Hóa đã quy hoạch vùng và tuyên truyền người dân thực hiện TTRĐ. Hiện địa phương đã thực hiện được 1 mô hình liên kết cấy lúa chất lượng cao có diện tích hơn 20 ha. Riêng mô hình sản xuất rau, củ, quả đã tích tụ được 2 khu với tổng diện tích 7,1 ha (1 khu 5 ha, 1 khu 2,1 ha). Tuy nhiên, để mở rộng mô hình rau, củ, quả đạt đến 10 ha cũng đang rất khó khăn.

Theo đồng chí Hoàng Chí Thiện, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Hóa, để thực hiện tích tụ đất đai, đối với Đồng Hóa cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Nhưng đây là nhiệm vụ khó, do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, kể cả khách quan và chủ quan. Xã đang tiếp tục khảo sát và vận động người dân tích tụ ở những vùng thuận tiện, bảo đảm cả về môi trường, đạt được yêu cầu diện tích đề ra.

Thực tế, việc triển khai TTRĐ liên kết sản xuất nông sản sạch tại các địa phương đang gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, với mô hình tích tụ trồng rau, củ, quả, nhiều địa phương có chất đất không phù hợp, chân ruộng trũng nên không thực hiện được, chỉ tập trung hướng đến sản xuất lúa hàng hóa. Thêm nữa, do đặc thù ruộng đất ít nên để quy hoạch vùng sản xuất lớn 3 – 5 ha hay 10 ha phải tập trung rất nhiều hộ.

Tuy nhiên, không ít hộ chưa muốn tham gia sản xuất tập trung cùng một loại sản phẩm rau, củ, quả. Điều này dẫn đến vùng sản xuất được quy hoạch nhưng không tổ chức thực hiện được.

Như tại xã Trác Văn (Duy Tiên) đã có vùng quy hoạch sản xuất rau, củ, quả hữu cơ có diện tích 10 ha, nhưng hiện nay mới chỉ sản xuất được vùng 5 ha, diện tích còn lại  một số hộ có đất chưa đồng ý sản xuất theo hướng hữu cơ với các loại rau, củ, quả thực phẩm. Một vấn đề nữa, là mặc dù cơ chế hỗ trợ của tỉnh đã có theo Kế hoạch 1136 ngày 9/5/2017 của UBND tỉnh “Về sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao” nhưng người sản xuất vẫn khó tiếp cận.

Cụ thể, theo kế hoạch, tỉnh hỗ trợ 30.000 đồng/m2 nhà màn, 100.000 đồng/m2 nhà kính, mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/mô hình; 50% tiền mua máy móc (máy xới đất, máy lên luống, máy thu hoạch) phục vụ sản xuất và không quá 80 triệu đồng/chiếc; hỗ trợ 70% giá trị làm nhà sơ chế, mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/m2, tối đa không quá 100 triệu đồng/mô hình…

Hình thức hỗ trợ sau khi người dân đầu tư và được nghiệm thu. Tuy nhiên, người dân phần lớn chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ này. Nguyên nhân là do phần lớn các hộ dân sản xuất rau, củ, quả hữu cơ rất khó có nguồn vốn để  đầu tư diện tích nhà màn, nhà kính đủ lớn  hay xây dựng nhà sơ chế, mua máy móc nông nghiệp (theo quy định) để được nghiệm thu và hỗ trợ.

Từ thực tế các mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch đang thực hiện tại các địa phương cho thấy còn một nguyên nhân dẫn đến việc triển khai mở rộng sản xuất tại các địa phương hạn chế, đó là thiếu nhân tố  hạt nhân sản xuất. Để sản xuất mô hình rau, củ, quả quy mô lớn thuận lợi cần có cá nhân đứng ra TTRĐ đầu tư sản xuất.

Hiện nay, phần lớn các mô hình đang thực hiện trong tỉnh đều do 1 người đứng ra thuê đất của người dân, như: mô hình HTX dịch vụ Đức Huy, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) có diện tích 5 ha; Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) diện tích 5 ha… Theo anh Phạm Hoàng Hiệp, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Liên Hiệp, khi một cá nhân đứng ra tích tụ đất đai làm mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn sẽ áp dụng tốt kỹ thuật, có kế hoạch cụ thể sản xuất ở từng thời điểm. Nếu liên kết hàng chục hộ dân lại rất khó vì mỗi người có suy nghĩ và cách  làm riêng…

Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh, phát triển sản xuất nông sản sạch có sự liên kết với các doanh nghiệp là hướng đi tất yếu của  nông nghiệp trong giai đoạn mới. Quan trọng hơn, từ các mô hình sản xuất này nâng cao nhận thức, xóa bỏ kiểu làm ăn cũ vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân vì lợi ích trước mắt trên cùng thửa ruộng “có luống rau nhà ăn, luống rau bán riêng”. Để thực hiện hiệu quả, quan trọng nhất là chính quyền các địa phương cần tháo gỡ kịp thời những khó khăn phát sinh khi thực hiện. Có như thế mới giúp việc TTRĐ phát huy hiệu quả.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy