Tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp sạch ở Thanh Liêm

Hiện nay, các xã, thị trấn của huyện Thanh Liêm đã quy hoạch và đăng ký tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp sạch (NNS) được 298,9 ha. Hình thức sản xuất được tổ chức theo nhóm hộ sản xuất tập trung, góp đất liên kết sản xuất và thuê đất của UBND xã.

Thăm khu ruộng của gia đình bà Đào Thị Khuyên thuộc mô hình sản xuất NNS ở xã Thanh Tân, thấy vừa lạ, vừa khâm phục cách làm của người nông dân xóm núi này. Lạ vì giữa cánh đồng lại có một khu nhà lưới để trồng rau. Khâm phục vì cũng chính người nông dân ấy, mới ngày hôm qua còn quen với lối canh tác truyền thống, giờ đã vượt lên tất cả để sản xuất rau màu theo lối hiện đại. Bà Khuyên chia sẻ: Lúc rộ, mỗi ngày tôi thu khoảng 1 tạ quả. Giá cả tuy còn bấp bênh nhưng phấn khởi lắm, vì quả thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó!

Sản xuất rau trong nhà lưới tại xã Thanh Tân (Thanh Liêm).

Sản xuất theo mô hình NNS, người trồng tuân thủ đúng quy trình sản xuất đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Toàn bộ rau, quả không phun thuốc trừ sâu. Rau xà lách, cải bắp đang hằng ngày cho thu hoạch. Còn cà chua thì chín đến đâu hái đến đó.

Chị Hồng (cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thanh Tân) cho biết: Cà chua ở đây ngon, nhiều bột lắm! Nông sản của bà Khuyên và các hộ thuộc vùng sản xuất NNS Thanh Tân được làm theo đúng quy trình kỹ thuật của Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Công ty Tiến Sỹ Nông hướng dẫn. Sản phẩm được bán cho một số công ty trên địa bàn...

Thanh Tân là xã mở đầu và cũng là địa phương được huyện Thanh Liêm chọn làm điểm xây dựng mô hình tập trung ruộng đất sản xuất NNS làm vệ tinh, liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Bước đầu, xã xây dựng được khu sản xuất rộng 1ha tại cánh đồng Bồi, thôn Bạc Làng. Cánh đồng liền vùng, liền thửa được 6 hộ trồng nhiều loại rau ăn lá, su hào, cà chua, bước đầu cho thu hoạch khá. Hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của sản xuất NNS, sau khi sản xuất chưa lâu, hộ gia đình bà Khuyên đã mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng làm nhà lưới để sản xuất rau màu có chất lượng.

Theo kế hoạch năm 2017, huyện Thanh Liêm chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn quy hoạch vùng sản xuất NNS: Đối với cây lúa chất lượng cao quy mô từ 10 đến dưới 20ha; rau, củ, quả quy mô từ 01 đến dưới 5ha, trồng nấm các loại diện tích 2.000m2 trở lên liên kết với các doanh nghiệp. Kết quả, các địa phương đã quy hoạch và đăng ký được 298,9 ha sản xuất lúa hàng hoá, nhân giống lúa lai và rau màu các loại. Hình thức sản xuất được tổ chức theo nhóm hộ sản xuất tập trung, góp đất liên kết sản xuất và thuê đất của UBND xã. Đáng chú ý, ngay khi đăng ký kế hoạch sản xuất, nhiều địa phương đã xác định được đơn vị liên kết như: Xã Liêm Sơn liên kết với Công ty Nguyên Thắng nhân giống lúa lai; xã Liêm Cần sản xuất lúa chất lượng liên kết với Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Hà Nam...

Ông Đinh Văn An, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Kế hoạch là vậy nhưng với cách làm thận trọng, chắc chắn, năm 2017, huyện mới chỉ đạo làm điểm mô hình sản xuất NNS tại xã Thanh Tân và Liêm Sơn. Tới đây, huyện sẽ có khảo sát và đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất NNS ở Thanh Tân để nhân ra diện rộng.

Nhằm khuyến khích phát triển sản xuất NNS ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh (có đủ tiêu chí quy định), huyện Thanh Liêm còn hỗ trợ  đối với các mô hình có diện tích từ 01 ha đến dưới 5ha. Trước mắt, huyện xây dựng và hỗ trợ mô hình sản xuất rau, củ, quả tại xã Liêm Sơn và Thanh Tân làm mô hình điểm. Tổng kinh phí hỗ trợ cho 01ha (01 mô hình) là 62 triệu đồng. Để tránh tình trạng "mất mùa được giá", "được mùa mất giá", ngay khi xây dựng kế hoạch, UBND huyện yêu cầu các mô hình phải phân vùng sản xuất từng loại nông sản và kế hoạch sản xuất theo hợp đồng kinh tế đã ký kết; phải lựa chọn các hộ dân, tổ hợp tác và hợp tác xã có nhu cầu, đủ khả năng sản xuất nông sản sạch để đáp ứng nhu cầu liên kết.

Không chờ đến khi rút kinh nghiệm sản xuất tại mô hình điểm, hiện nay xã Thanh Hà đang xây dựng đề án chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả có múi; xã Thanh Hải xây dựng đề án chăn nuôi thuỷ sản gắn với vùng tích tụ ruộng đất sản xuất  NNS làm vệ tinh, liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Riêng tại xã Thanh Tân, chị Hồng cho biết, tới đây, khu sản xuất NNS ở đồng Bồi được mở rộng thêm 5 ha nữa. Ngoài ra, xã cũng quy hoạch 10 ha tại thôn Đức Hoà để sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao.

Mục tiêu phát triển sản xuất NNS làm vệ tinh, liên kết với các doanh nghiệp của huyện Thanh Liêm là nhằm tạo phong trào sản xuất mới có năng suất, chất lượng và giá trị cao trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thanh Bình

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy